Lược sử

  • Địa chỉ: 15/173 Lê Hoàng Phái, P.17, Q. Gò Vấp
  • Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm
  • Điện thoại: 3984 1392 - 3895 0241
  • Năm thành lập:

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ AN NHƠN

LỜI MỞ ĐẦU

 
          Với mục đích muốn nói lên đôi nét về sự hình thành và phát triển của Giáo Xứ An Nhơn qua những công lao đóng góp xây dựng của các vị Linh mục chính xứ, các Linh mục, các tu sĩ nam nữ, những vị ân nhân, những bậc cha ông đã sáng lập lên xứ đạo An Nhơn cách nay hơn 49 năm. Với thời gian 49 năm ngắn ngủi (1965 – 2014) mà giáo xứ đã trải qua những bước thử thách ban đầu gian khó, nhưng cũng vượt qua được để có thành quả ngày hôm nay. Đó là nhờ sự khôn ngoan, tài trí của các vị lãnh đạo tinh thần, với sự góp công, góp của, góp sức của nhiều người, nhiều thế hệ…
          Riêng những vị cao tuổi, các vị đã có dịp tham gia đóng góp công sức, đã phải chịu đựng và vượt qua các thời kỳ khó khăn xưa, hôm nay có dịp để quý vị được ôn lại những kỷ niệm xưa mình đã sống, đã đóng góp và nhận ra rằng đây thật sự là một hồng ân Chúa ban.
          Bốn mươi chín năm thành lập Giáo xứ, xây dựng Thánh đường: những cột mốc đáng nhớ của Giáo xứ An Nhơn. Đó chưa phải là thời gian dài đối với lịch sử một Giáo xứ, nhưng nó cũng đủ để khẳng định với chúng ta về tình thương của Thiên Chúa.
          Cách đây 49 năm, nói đến An Nhơn là nói đến một địa danh không mấy tốt đẹp, là nói đến một mảnh đất in vết hằn tệ nạn xã hội. Nhưng rồi nhờ hồng ân Thiên Chúa, một Giáo xứ đã thành lập, một Thánh đường đã vươn lên, để tỏa sáng đánh tan những bóng đêm của “ thủa xa xưa” ấy, những hồng ân quí giá này, đã được Thiên Chúa và Đức Mẹ Vô Nhiễm ban xuống qua lòng mến Chúa, nhiệt tâm tông đồ, sự khôn ngoan sáng suốt, tinh thần dấn thân phục vụ của các vị chủ chăn đầu tiên, đặc biệt của Cha Chánh xứ tiên khởi. Thêm vào đó Chúa còn dùng sự cộng tác tích cực của quí Thầy, qúi Nữ tu, quí ân nhân và đông đảo anh chị em giáo dân sẵn sàng hy sinh, đóng góp công của. Lớp người này tiếp nối lớp người kia cùng chung sức tạo nên một gia sản, một truyền thống. Cho dù có những lúc khó khăn, dòng chảy vẫn không ngừng lại, dẫn đến ngày hôm nay.
          Chính tại thánh đường này, một  tòa nhà vươn cao trên các ngôi nhà chung quanh, nhiều thế hệ tín hữu nối tiếp nhau đến để sống đức tin, thắp lên ngọn lửa đức mến qua những thánh lễ, những buổi cử hành phụng vụ.
          Qua chiều dài lịch sử, thánh đường này là nơi biết bao tâm hồn sẽ đón nhận ơn tái sinh và ơn giao hòa với Thiên Chúa, biết bao gia đình mới được gầy dựng và biết bao người sau khi hoàn tất cuộc lữ hành trần thế được tiễn đưa tới nơi an nghỉ cuối cùng.
          Chính trong ngôi thánh đường này lớp lớp người trưởng thành cũng như thanh thiếu niên sẽ qui tụ lại để học hỏi lời Chúa, tìm hiểu về Giáo Hội, về con người để biết sống làm người và làm con Chúa, đồng thời chuẩn bị hành trang cho những hoạt động truyền giáo ở nhiều biên cương khác nhau.
 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH GIÁO XỨ AN NHƠN

QUA 49 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
     (1965 - 2014 )  

AN NHƠN ĐẤT XƯA : (1875 – 1945 )

 
          Theo tài liệu còn lưu giữ tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, thì cách nay hơn 150 năm đã có họ đạo An Nhơn, trước cả họ đạo Sao Mai và Thông Tây Hội quận Gò Vấp. Theo tiểu sử Thánh Phao lô Lê Văn Lộc Linh mục tử đạo mà hiện nay xương Thánh còn đang lưu kính tại nhà thờ Đức Bà thì Thánh lộc đã sinh ra tại làng An Nhơn, Quận Gò Vấp, Tỉnh Gia Định năm 1831. Thêm hai tài liệu cụ thể nữa là : hai cuốn sổ Rửa tội và Thêm sức của họ đạo An Nhơn xưa kia còn đề ngày 23/1/1875, hiện nay đang được lưu giữ tại phòng Truyền thống của Giáo xứ.
           Giáo dân thì không còn ai để kể lại họ đạo và nhà thờ, nhưng với tài liệu nêu trên thì An Nhơn đã có xứ đạo và nhà thờ từ lâu đời, ít nhất là từ năm 1859 do các Cha Thừa Sai Pháp xây dựng và được biết sau này đã giao lại cho Cha Tiến, một Linh mục Việt Nam, phụ tá nhà thờ Đức Bà đảm nhận, đó là khoảng thời gian từ 1940 trở về trước.
          Năm 1945 nhà thờ, nhà Cha Sở bị tàn phá vì chiến tranh, giáo hữu tản mát mỗi người mỗi nơi, mấy năm sau cùng không xây dựng lại được, gia đình nào còn ở lại thì sáp nhập họ đạo Sao Mai hoặc Thông Tây Hội và Thị Nghè.
           Năm 1949 Quân đội Pháp đã chiếm khu vực chung quanh kể cả khu vực nhà thờ để lập đồn binh ( trước giải phóng là khu vực thành kho đạn, hiện nay là khu dân cư).
          Năm 1945 vì thời cuộc, đất nước phải chia hai, một số đông đồng bào Công Giáo thuộc các vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội vv… vì sinh kế đã di cư vào Nam và định cư tại khu vực Xóm Mới cũng thuộc xã An Nhơn. Nơi đây là một cánh đồng do người địa phương bỏ hoang, nay được nhà nước bố trí thành lập các trại định cư, họ đã qui tụ lại thành lập nên nhiều xứ đạo. Giáo dân buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi mỗi ngày một phát đạt đông vui,ổn định cả về tinh thần lẫn đời sống.
         Tuy An Nhơn, là trung tâm xã của người địa phương, đất rộng người thưa, đã có trụ sở Xã, có đình làng, có chợ, có trường học công vv… nhưng đã không được những người Bắc Công giáo chọn để định cư vì họ không muốn ở rải rác, mà muốn ở gom thành từng trại, từng Xứ để giúp đỡ, đùm bọc nhau thông qua Linh mục lãnh đạo nơi đất lạ quê người. Đó là những lý do mà An Nhơn không thể hình thành sớm được Giáo xứ như Xóm Mới.
          An Nhơn là quê hương của Thánh Lộc tử đạo, nhưng đã phải mất nhiều năm gián đoạn vẫn chưa xây dựng lại được giáo xứ… Đã tưởng rằng trên mảnh đất đã nhiều năm khô cằn, với nhiếu sỏi đá, không còn hy vọng sẽ có hạt giống nào nảy mầm nổi… Nhưng không, Chúa quan phòng và đã cho xuất hiện biểu hiện nẩy mầm đức tin Công giáo tại đây, đó là vào năm 1963 khi có một số gia đình tới đây lập nghiệp.
 

KHÓ KHĂN VÀ NIỀM TIN BAN ĐẦU ( 1963 – 1969 )       

 
            Họ có khoảng 13 gia đình Công Giáo tìm đến định cư cho gia đình mình, họ tập trung ở 2 khu vực chính là: chung quanh chợ và ngã ba Cây Dừa, họ chủ yếu sống kinh tế bằng buôn bán nhỏ và làm nghề tiểu thủ công, không khá lắm, về mặt giữ đạo còn gặp nhiều khó khăn, vì họ không chính thức thuộc Xứ đạo nào, họ đi lễ ở các nhà Thờ trên vùng Xóm Mới, con cái họ không được sinh hoạt, học tập theo cộng đoàn Giáo xứ, không được học giáo lý để Rước lễ, Thêm sức
            An Nhơn dần dần cũng thu hút được thêm người đến lập nghiệp, vì gần các trại binh lớn thời đó như: Trường Quân Cụ, Trại Thiết Giáp, Pháo Binh, Cổ Loa vv… nhưng quanh những nơi này không tránh khỏi những tệ nạn xấu kèm theo, nó đã biến một vài khu vực của An Nhơn thành nơi ăn chơi tội lỗi khét tiếng. Trước tình hình này càng thôi thúc người Công Giáo sống quá ít tại đây càng phải suy nghĩ… và họ đã cùng bàn bạc, cùng bắt tay và cùng làm để xây dựng lại nhà Chúa mà cách đây 20 năm tại ngôi làng này đã có và đã bị phá đi vì chiến tranh.
            Đầu năm 1965, bức xúc vì những tệ nạn xấu mỗi ngày một lan rộng, ảnh hưởng không ít đến con cháu mình, một số vị có tâm huyết bàn bạc cụ thể hơn, phải có một kế hoạch làm ngay càng sớm càng tốt. Biến địa bàn quanh khu vực này thành đất lành. Họ đã đi quyên góp được 80.000 đồng đủ mua một diện tích đất là 500 m2 ( hiện nay là dãy lầu trường Hoàng Văn Thụ) để xây trên đó một nhà Nguyện .. Có đất nhưng vẫn chưa xây được, họ lại phân công chạy đi khắp nơi từ : Tòa Tổng Giám Mục, Cha Quản Hạt, các Cha, các Xứ lân cận thuộc Hạt Xóm Mới vv… tất cả các nơi trên cũng chỉ giúp họ về mặt tinh thần : Cha xứ Hoàng Mai ( Cha Tấn) hứa : Khi nào xây xong nhà Nguyện  Cha sẽ nhận là họ lẻ của Hoàng Mai và mỗi tuần Cha sẽ xuống dâng lễ ngày Chúa Nhật. Nhiều người trong số họ đã chán nản đề nghị thôi không xây nữa, bán đất đi để trả tiền lại những người đã đóng góp.
            Thời gian này Cha Tuyên Úy Trần Văn Thông thường sang dâng lễ ở nhà nguyện xã An Phú Đông ( nay nhà nguyện này đã bị phá dỡ, gần ngã tư Ga Thạnh Lộc). Ông Nguyễn Hữu Toan ( Hiền) được đề cử đi tiếp xúc xin Cha giúp, nghe qua biết được ý định của các ông Cha rất vui vẻ nhận lời và còn đề nghị dẫn Cha đi xem đất ngay. Ý Chúa, ý Cha, ý Giáo dân đều là một nên mọi công việc được tiến hành ngay sau đó,Cha đồng ý sẽ lo liệu phần vật tư cần thiết.
            Tháng 7/1965 ngôi nhà Nguyện 5 gian chính thức được khởi công, anh em có trách nhiệm và giáo dân chung quanh đều ra phụ giúp, công việc tiến triển nhanh và rất thuận lợi.
             Trong lúc nhà Nguyện đang còn xây dựng thì có Cha Trần Hoàng ( dạy Chủng Viện Thánh Phao lô) đi ngang  qua ghé vào thăm, qua trình bày của vị đại diện, Cha rất hài lòng việc xây dụng một nhà nguyện tại nơi này và hứa sẽ tới dâng Thánh lễ vào mỗi buổi chiều khi xong nhà Nguyện ( Cha Thông rất bận không thể dâng lễ thường xuyên).
            Qua những ngày khó khăn, vất vả, ngày hân hoan của mọi gia đình trong giáo họ đã tới. Ngày 8/12/1965, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân các Xứ đạo chung quanh, Quý ân nhân đã về dự lễ “ Khánh thành và làm Phép nhà Nguyện”.
              Ngoài số tiền các vị ân nhân hảo tâm dâng cúng trong ngày khánh thành, Cha Thông còn giúp thêm để xây hai phòng học, xây thêm hàng rào bao quanh nhà Nguyện. Có nhà Nguyện nhưng An Nhơn vẫn chưa được quyết định là Giáo xứ của Địa phận, hai Cha Trần Văn Thông và Trần Hoàng vẫn thay đổi về dâng thánh lễ hàng ngày.
            Có được hai phòng học, Mẹ Bề trên MTG Phát Diệm cử hai Dì xuống giúp dạy giáo lý và văn hóa cho các em gia đình chung quanh.
            An Nhơn đời sống mỗi ngày một khá hơn, họ đạo sau khi có nhà nguyện, giáo dân mỗi ngày một tăng thêm, các em nhỏ đã được học giáo lý, đã được Xưng tội Rước lễ lần đầu, lãnh phép Thêm Sức … Việc Đạo đã đi vào nề nếp sáng chiều nơi nhà Nguyện nhỏ bé đều có cất cao tiếng hát lời ca chúc tụng Chúa và Mẹ. Cuộc sống hàng ngày cũng bớt dần khó khăn hơn.
            Nhưng nào ngờ, biến cố Tết Mậu Thân (2/1/1968) đã làm tan nát bao nhiêu nhà cửa khu vực An Nhơn, nặng nhất là chung quanh nhà Nguyện ( Từ ngã ba Đức Hiệp đến ngã ba Cây Dừa). Nhà Nguyện cũng bị bom đạn, làm hư hại nặng, hầu như chỉ còn lại có gian Cung Thánh. Mới vỏn vẹn chưa đầy ba năm, giáo họ An Nhơn lại bắt tay làm lại từ đầu.
            Đau thương, mất mát rồi cũng phải dần dần khắc phục, tương lai cũng lại bàn tới; Đó là sửa chữa lại nhà mình, cũng phải sửa chữa lại cả nhà Chúa nữa… đây lại là một thử thách và là gánh nặng mới Chúa trao thêm cho cộng đoàn dân Chúa, cho những người có trách nhiệm của giáo xứ trong lúc đó.
            Qua sự giúp đỡ, giới thiệu của Đức Cha phụ tá Phanxico Xavie Trần Thanh Khâm, đại diện giáo xứ đến gặp Cha Nicolais Huỳnh Văn Nghi, Chính xứ Tân Định (sau là Đức Cha) để người cho vay 140.000 đồng mua 3.000m2 đất ( toàn bộ khuôn viên nhà Thờ, nhà Xứ, trường học hiện nay) Ngoài ra người còn bỏ tiền ra xây một dãy nhà tôn 9 căn làm lớp học hướng nghiệp ( dãy B trường Lê Hữu Từ, cùng nằm trên diện tích đất này) và Người giúp thêm 100 tấm tôn, cây để sửa chữa lại nhà Thờ. Sau ít tháng, nhà Thờ cũng được sửa chữa xong, Cha Hoàng tiếp tục về dâng thánh lễ hàng ngày ( Cha Thông bận không về nữa). Giáo họ lại trở về sinh hoạt bình thường
 

THÀNH LẬP GIÁO XỨ : ( 1969 – 1976)

            Cuối năm 1968, tình hình xứ đạo đã tạm ổn định, giáo dân đã phát triển đông hơn. Lúc này hơn lúc nào hết, An Nhơn vẫn phải được thành lập một Giáo xứ và có một Linh Mục chủ chăn. Đại diện của giáo dân lên trình bày cùng Đức Tổng Giám Mục, nhưng Đức Cha vẫn chưa thể bổ nhiệm được Cha xứ thích hợp, Đại diện họ quay về gặp Cha Trần Ngọc Phan, hiện đang phụ trách quản lý nhà hưu dưỡng Phát Diệm, đồng thời là bí thư Tòa Tổng Giám Mục xin người tìm cách giúp. Qua sự trình bày của Cha Phan, ngày 07/01/1969 Đức Cha Trần Thanh Khâm đã về tham quan thực tế họ đạo An Nhơn, qua lần thăm viếng này Cha Phan giới thiệu và xin đích danh Cha Trần Phương Phy là anh ruột của Người hiện đang ở Giáo xứ Phát Diệm, Phú Nhuận được về trông coi Giáo xứ và sau đó đã được Tòa Tổng Giám Mục nhất trí.
            Ngày 08/01/1969 họ đạo An Nhơn chính thức được công nhận là một giáo xứ thuộc Hạt Xóm Mới, Giáo Phận Sài Gòn, đồng thời cử Cha Grégorio Trần Phương Phy làm chính xứ đầu tiên.
            Ngày 01/02/1969 Giáo dân An Nhơn đón tiếp Cha Phy về nhận Giáo xứ, một Giáo xứ nhỏ bé, còn nhiều tệ nạn xã hội chung quanh, chưa có nhà xứ vv … Tât cả gần như chưa có gì, chỉ vỏn vẹn với một nhà Nguyện nhỏ bé vừa mới được sửa chữa lại. Vì chưa có nhà xứ nên hàng ngày Cha vẫn phải đi về nhà hưu Phát Diệm tạm trú và tới Giáo xứ dâng Thánh lễ và làm mục vụ.
            Để thực hiện nhiều công việc cần làm của Giáo xứ và giúp Cha xứ lo công việc chung, ngày 27/04/1969 Cha xứ đã cử ban đại diện lâm thời do ông Đinh Văn lũy làm trưởng ban, tạm đảm trách điều hành trong vòng một năm.
            Cha xứ và những vị có trách nhiệm đã trả được tiền mượn để mua đất cho Cha Nghi và còn mua lại được dãy nhà tôn 9 gian để chuẩn bị làm trường học. Nhờ uy tín của Cha ở Giáo xứ Phát Diệm cũ, nhiều vị ân nhân đã nhiệt tình giúp Cha tiền mặt, sắt thép, xi măng, ván ép vv… để chuẩn bị kế hoạch xây dựng các công trình cho Giáo xứ.
            Ngày 01/08/1969 Cha xứ cho khởi công xây dựng trước một dãy nhà lầu để làm trường Trung học gồm 8 lớp, đối diện với dãy nhà tôn 9 gian.( nhà thờ được dời tạm về dãy nhà tôn).
            Ba tháng sau, ngày 2/11/1969, tầng trệt của ngôi trường đã tạm xong, Cha xứ đã về ở 1 phòng để điều hành công việc không phải đi về nhà hưu nữa.
            Tháng 4/1969 nhà trường được xây dựng xong với tên gọi là : Trường Trung Tiểu Học Tư Thục Lê Hữu Từ ( tên Đức Cha Phát Diệm). Trên lầu vẫn chưa ngăn thành từng lớp để tạm thời dùng làm nhà thờ. Tầng trệt làm các lớp Trung học đã được khai giảng cho năm học 1969 – 1970.
           Tháng 4/1970 đúng một năm công tác của BCH Lâm thời, và để chuẩn bị cho kế hoạch trọng tâm là xây dựng Tân Thánh Đường cũng như để cho Hội Đồng Giáo xứ hoạt động đúng qui chế, cha xứ đã cho bầu BTV/HĐGX nhiệm kỳ I , cùng với việc quyết định là thành lập và phân chia giáo xứ với 4 khu họ để dễ sinh hoạt và và điều hành gồm:
 
               1/    Khu Trị Sở : Bổn mạng Thánh Giuse cầu bầu : 19/3
 
               2/    Khu Vô Nhiễm : Bổn mạng Đức Mẹ Vô nhiễm : 8/12
 
               3/    Khu Tử Đạo : Bổn mạng Thánh Phêrô : 29/6
 
               4/    Khu Giuse Thợ : Bổn mạng Thánh Giuse Thợ  : 1/5
 
           Trường học đã xây xong, kế đến Cha xứ và BTV/HĐGX nhiệm kỳ I đã soạn thảo một kế hoạch xây dựng nhà thờ mới có tầm cỡ có quy mô lớn, nhiều mẫu nhà thờ trong Giáo phận đã được đến tham quan, lấy mẫu vẽ, rút kinh nghiệm, nhiều nhà thầu được tham khảo, lập kế hoạch tổ chức quyên góp trong và ngoài giáo xứ. Công việc chuẩn bị được dự kiến trong vòng 7 tháng.
            Ngày 21/11/1970 Ngày lễ “Đức Mẹ Dâng Mình” được Cha xứ và HĐGX quyết định khởi công đào móng. Theo dự toán chi phí cho công việc xây nhà thờ tốn khoảng 15.000.000đ và cho nhà xứ 5.000.000đ. Nhưng số tiền thực tế có được cho đến bấy giờ mới được 1/5 dự toán ( hơn 4 triệu ). Với lòng tin tưởng và quyết tâm của Cha xứ, mọi công việc Cha vẫn cho tiến hành dù Cha đã phải đi vay mượn nhiều nơi … nhưng rồi ( theo lời Cha kể) lại có những vị ân nhân ủng hộ tiếp ( đa số ở nơi khác) để trả nợ. Tuy vậy Cha vẫn trông cậy vào ơn trên nhiều hơn.
            Ngày 31/01/1971 một Hồng ân đặc biệt dành cho giáo xứ An Nhơn là “ Đức Mẹ Fatima Thánh Du” còn gọi là tượng “Đức Mẹ khóc” do Đạo Binh Xanh Quốc tế tổ chức rước Mẹ đi thăm nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam mà An Nhơn và Hạt Xóm Mới là một trong rất ít nơi đã được chọn để Mẹ ghé thăm ủi an. An Nhơn là cửa ngõ vào Xóm Mới được phân công dựng một khán đài tiếp đón Mẹ ngay tại vườn hoa ( trước cây xăng Đức Hiệp). Một đoàn xe rước Mẹ của An Nhơn và Xóm Mới lên đón tại nhà thờ Tân Sa Châu, một cuộc Cung nghinh Mẹ chưa từng có. Trên đường từ nhà thờ Tân Sa Châu về An nhơn và từ An Nhơn về Xóm Mới các giáo dân ở các xứ đạo từ Phú Nhuận, Phát Diệm và nhiều nơi khác đổ về chật hai bên đường để chào đón, vì quá đông nên đoàn xe đã phải di chuyển về chậm mất 2 giờ theo chương trình dự kiến.
             Đúng 17 giờ ngày 31/01/1971. Sau 3 giờ giáo dân chờ đón sẵn trước 2 hai bên đường và nơi khán đài. Tượng Đức Mẹ được rước lên khan đài để Mẹ ngự ở đây khoảng 15 phút để con cái An Nhơn chiêm ngưỡng, tâm tình,cầu nguyện, và ca hát tung hô … Ngay sau đó Tượng Đức Mẹ lại được rước lên xe hoa về thăm Giáo Hạt Xóm Mới.
            Với biến cố Mẹ viếng thăm trọng đại này, và thể theo lời nguyện cầu của Cha xứ cũng như cộng đoàn dân Chúa An Nhơn.Mẹ đã nhủ lòng thương nên công việc tiến hành xây dựng Thánh đường vẫn tiến triển tốt đẹp. Với một xứ đạo nghèo, ít giáo dân, vừa trải qua một biến cố chiến tranh trực tiếp trên xứ đạo…Không mong gì xây được một nhà thờ với mức khiêm tốn, nhưng ơn Chúa và Mẹ đã ban cho Cha xứ sức khỏe, sự khôn ngoan, tài trí nên Thánh đường An Nhơn đã hình thành theo đúng dự trù, đúng kế hoạch, đúng thời gian và có thể nói là to đẹp nhất và kiểu mới trong Hạt Xóm Mới bấy giờ.
            Ngày 21/11/1971 đúng một năm sau, nhà thờ nhà xứ cơ bản đã hoàn thành, toàn Giáo xứ đã rước kiệu “ Mình Thánh Chúa” từ nhà thờ tạm về nhà thờ mới. Đánh dấu ngày dâng Thánh lễ đầu tiên tại ngôi Thánh đường mới, với một tâm tình kính yêu Mẹ và đặc biệt cảm tạ Mẹ trong lần Mẹ ghé thăm đã ban nhiều hồng ân, Cha Chính xứ quyết định chọn tước hiệu “ Mẹ Maria Vô Nhiễm” làm bổn mạng của Giáo xứ. Hàng năm được tổ chức mừng kính trọng thể vào ngày lễ này.
            Ngày 11/12/1971 Cha xứ và cộng đoàn dân Chúa An nhơn đã long trọng tổ chức và vui mừng đón Đức Tổng Giám Mục Phao lô Nguyễn Văn Bình về làm phép khánh thành Tân Thánh Đường. Đức Cha Phụ tá, đông đảo Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, Quý khách, Quý ân nhân, đại diện xứ đạo, giáo dân trong địa phận cũng như ở xa cùng về dự lễ, chung vui … Đặc biệt trong thánh lễ, đến tham dự còn có nhiều đoàn của các tôn giáo bạn, gồm nhiều Hòa Thượng, Đại Đức Tăng ni, Phật tử cùng hoan hỷ đến chúc mừng trên tinh thần đoàn kết lương giáo.
            Tiếp tục chương trình phát triển giáo xứ, Cha xứ cùng HĐGX còn giải quyết xây dựng nhiều công trình cụ thể khác như:
+  Hoàn tất khu nhà xứ với 6 phòng : dưới nhà 4 phòng, trên lầu 2 phòng.
+ Mua đất thêm ở phí sau nhà thờ để xây cư xá bán lại cho giáo dân ở nơi khác để thu hút về nhập xứ.
+ Cùng với một chương trình mua đất để thành lập một cư xá lấy tên là cư xá An Bình ( ở khu vực gần chợ An Nhơn) để tăng thêm giáo dân.
             Sau khi thánh đường, nhà xứ các công trình khác đã được thực hiện xong, thì ngay từ năm 1971 Cha xứ cùng Thày Phanxico Savie Phan Thiện Hảo đã quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục. Cụ thể là :củng cố trường Trung Tiểu Học Tư Thục Lê Hữu Từ thành một trường Công giáo trọng điểm trong vùng, vừa giải quyết kinh tế cho nhà Thờ, nhà xứ mà còn mục đích lớn hơn là giáo dục những con em đang sống trong môi trường chung quanh không được tốt lành lắm, có ảnh hưởng đến đạo đức con em của nhiều gia đình giáo dân.
           Sau ngày 30/04/1975 giáo dân An Nhơn cũng có nhiều biến chuyển, nhiều gia đình chuyển đi nơi khác, có gia đình dọn về quê sinh sống sau khi hòa bình lập lại, một số lớn hưởng ứng chính sách đi vùng kinh tế mới của Chính quyền địa phương, nên giáo dân trong xứ giảm sút đáng kể, khu họ Tử Đạo phải sáp nhập vào khu họ Vô Nhiễm.
+   Năm 1975 : có 245 hộ với 1650 giáo dân
+   Đầu năm 1976 : còn 92 hộ với 699 giáo dân
          Tổng số giảm : 153 hộ với 951 giáo dân.
 
           Tình hình sút giảm trên, ảnh hưởng trầm trọng đến mọi sinh hoạt của giáo xứ, Hội đồng Giáo xứ ngưng hoạt động, mọi trọng tâm hoạt động đều tập trung vào thời gian có thánh lễ sáng hoặc chiều.
            Tháng 1/1976 Cha Chính xứ Trần Phương Phy phải vắng mặt tại Giáo xứ, chưa biết ngày trở lại Giáo xứ. Từ đây An Nhơn lại trở vào tình hình thời năm 1965 không có chủ chăn, mỗi ngày chỉ có một Thánh lễ  ban chiều do các Cha ở nhà hưu dưỡng thay nhau xuống giúp dâng thánh lễ.
 

 THỜI GIAN CHUYỂN TIẾP (1976 – 1983) 

 
            Thời gian này tạm gọi là thời gian chuyển tiếp, thời gian vắng Linh mục chính xứ, các Cha nơi khác đến dâng lễ còn bị hạn chế, tình hình kinh tế giáo dân khó khăn, nhà xứ cũng không còn nguồn kinh tế ( trước đây nhờ vào trường học, nay đã hiến cho nhà nước).
            Cha Trần Cao Đàm chỉ ở lại giáo xứ được một thời gian, rồi tuổi cao sức yếu Người cũng phải về nhà hưu Phát Diệm, Giáo xứ giao lại cho Thầy Phan Thiện Hảo trông nom về tinh thần lẫn vật chất ( nhà thờ, nhà xứ). Thầy đã phải liên hệ với Cha quản lý nhà hưu để xin giúp đỡ, cử Cha về dâng Thánh lễ ban chiều mỗi ngày.
            Cha Đinh Long Diện đã già, đôi lúc đã lẫn vẫn sốt sắng xuống giúp, hằng ngày mỗi chiều phải đi bộ từ nhà hưu xuống dâng Thánh lễ rồi lại đi bộ về, gặp xe nào Người cũng vẫy gọi cho đi nhờ vv… thế mà Người cũng giúp được một thời gian dài, đến năm 1982 Người đã quá yếu, cũng không còn ở nhà Hưu nữa và Người về dưới Cái Sắn (Cà Mau) ở với Linh mục dưỡng tử là Cha Sửu, và Người đã qua đời tại đây năm 1986.
            Trong thời gian Cha Diện còn đang dâng lễ được thì Thầy Hảo và quí vị đại diện Giáo xứ nhiều lần lên gặp Đức Tổng Giám Mục để xin một Cha về ở luôn với giáo xứ, nhưng không có Cha nào Tòa Tổng Giám Mục thu xếp về được.
            Mãi tới ngày 19/12/1980 Cha Vũ Thái Hòa đang hưu ở xứ Bình Hưng quận 8 được phép Tòa Tổng Giám Mục về nhận Chánh xứ An Nhơn nhưng vì thủ tục đối với chính quyền không xong nên Người cũng không thể về được.
             Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình vẫn có ưu ái đặc biệt với giáo xứ An Nhơn nên năm 1981 Người đã cử Cha Trần Ngọc Thuyết đang là chính xứ Bắc Dũng ( Hạt Xóm Mới) kiêm nhiệm giáo xứ An Nhơn. Vì tạm kiêm nhiệm nên Cha chỉ về dâng hai thánh lễ mỗi ngày sáng và chiều đồng thời giải quyết một số công việc chung của giáo xứ, Cha cũng lo cho các em Xưng tội Rước lễ lần đầu, chịu phép Thêm sức, học giáo lý vv… Đây cũng là nguồn an ủi khi chưa có vị chủ chăn chính thức.
            Năm 1982 BTV/HĐGX nhiệm kỳ II không còn ai nên Cha đã cho tổ chức bầu BTV/HĐGX nhiệm kỳ III do Ông Nguyễn Văn Tự làm Chủ tịch và giữ nề nếp sinh hoạt BCH 03 khu họ như cũ.
Cha và BTV/HĐGX nhiệm kỳ III cũng đã lo tu sửa Thánh đường : sơn lại toàn bộ các khung cửa nhà thờ để chống rỉ sét.
            Năm 1983 Cha xứ Tử Đình mất, Giáo xứ Tử Đình cũng không xin được Cha xứ mới nên Cha Trần Ngọc Thuyết lại được cử kiêm nhiệm thêm giáo xứ Tử Đình nữa nên công việc của Cha quá nặng, nhưng rồi Cha vẫn tiếp tục nhiệm vụ của Cha cho đến ngày giáo xứ An Nhơn có chính xứ mới. Đó là vào tháng 7/1983.
 

VỮNG TIN VÀ ĐI LÊN ( 1983 – 1996) :

 
             Sau ngày 30/04/1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, lịch sử Việt Nam đã đi vào một trang sử mới, người Công giáo Việt nam nói chung, giáo dân An Nhơn nói riêng vui mừng khi được hòa bình, nhưng không khỏi băng khoăn lo ngại trong việc sống đạo, vì trong thời điểm đang còn nhiều giao động mà Cha xứ là người lãnh đạo tinh thần cần thiết lại vắng tại giáo xứ chưa biết ngày Ngài được trở lại.
               Từ năm 1975 đến năm 1980 nhiều hoạt động trong xứ đạo trước đây gần như ngừng lại, BTV/HĐGX, Ban chấp  hành các khu, người thì đi xa, người thì qua đời … giáo dân thì giảm sút trầm trọng. Thời gian này cũng như thời gian mới thành lập Giáo họ (1965 – 1969) Tức là An Nhơn muốn có thánh lễ thì chỉ mời được những Cha già đang ở nhà Hưu dưỡng Phát Diệm xuống vào mổi buổi chiều .. mọi sinh hoạt trong nhà thờ nhà xứ đều giao cho thầy Hảo trông nom lo liệu … kể cả mời Cha đi kẻ liệt, lễ an tang vv…
            Năm 1980 sau khi có thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt nam là : “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” con đường sống đạo của người Công giáo Việt nam đã được lãnh đạo Giáo hội vạch rõ. Chính vì vậy mà thời gian này hơn lúc nào hết An Nhơn cần thiết phải có một vị Chủ chăn. Họ đã lên gặp Đức Tổng Giám Mục nhiều lần xin Đức Cha thu xếp ban cho, nhưng đều không đạt kết quả. Rồi có người mách bảo, họ lên Tu viện Đaminh Gò Vấp trình bày cùng Cha Bề trên xin Người giúp giới thiệu cho một Cha thuộc Dòng về trông coi giáo xứ qua sự bổ nhiệm của Đức Tổng.
             Tháng 6/1983 Cha Giuse Đinh Châu Trân chính thức được bổ nhiệm về làm chính xứ An Nhơn trong lúc Cha còn đang là Bề trên Tu viện Đaminh Gò Vấp. Sự kiện Cha Trân về giáo xứ cũng là hồng ân đặc biệt Chúa ban cho An Nhơn qua bàn tay xếp đặt của Người. Trong Tu viện còn nhiều Cha ít phần trách nhiệm hơn nhưng Đức Cha không bổ nhiệm lại chọn Cha trong lúc Cha đang còn là Bề trên của Tu viện. Đối với Đức Cha đây là lý do riêng của Người nhưng đứng về phía giáo dân An Nhơn sự bổ nhiệm Cha Trân về làm chính xứ là một vui mừng lớn, thể hiện đường hướng tương lai của giáo xứ qua vị lãnh đạo tài, đức.:
             Là một Linh mục Dòng, có học vị cao ( Tiến sĩ Toán học) đã có nhiều năm du học tại ngoại quốc, từng là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Giáo lớn nhất quận, trường Chân Phước Liêm, ( sau giải phóng đã hiến cho nhà nước)
              Đối với chính quyền, Người đang tham gia hoạt động ngoài xã hội; Hội Đồng Nhân dân Quận, thành viên MTTQ/quận, phường và Tổ Trưởng tổ Đoàn kết Công Giáo quận.
             Như vậy sự hoạt động của Cha Chính xứ sẽ phù hợp cả về phương diện tinh thần lẫn hoạt động ngoài xã hội ( chính quyền) nhất định sẽ thuận lợi cho chiều hướng sống đạo theo thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mà An Nhơn là nơi sẽ được Cha đem ra áp dụng và thực thi.
               Cha Trân về nhận giáo xứ, về mặt vật chất thì đã có sẵn đầy đủ: nhà thờ khang trang, nhà xứ rộng rãi .. nhưng về tài chính thì cũng như hồi Cha Phy mới về giáo xứ không có bếp riêng để lo cho Cha và các Thầy. Cha vẫn phải đi về Tu viện để ăn nghỉ. Thời gian đầu Cha chỉ xuống dâng Thánh lễ sáng và chiều còn ban ngày vẫn về để sinh hoạt với Tu viện ( Cha vẫn còn làm Bề Trên).
Ngay  từ những ngày đầu về nhận xứ, Người vẫn tôn trọng, giữ những lễ nghi, những tập tục đã có sẵn mà các vị tiền nhiệm của Người để lại. Cha đưa những nét mới vào sinh hoạt trong giáo xứ, củng cố lại các đoàn thể, cử các Thầy của Tu viện về giúp trong Thánh lễ của Thiếu nhi, dạy giáo lý, dạy hát, sinh hoạt cộng đồng … phân các giờ lễ riêng cho từng đối tượng tham dự. Ngay từ năm 1984 Người thành lập được Dòng Ba  Đaminh đầu tiên tại giáo xứ.
              Năm 1985 Cha xứ đã cho tổ chức bầu lại BCH 03 khu họ và bầu BTV/ HĐGX nhiệm kỳ IV do ông Chu Văn Tập làm Chủ tịch. Từ HĐGX nhiệm kỳ này Cha luôn nhắc nhở, tạo điều kiện để giúp họ hun đúc tinh thần đoàn kết trong Giáo xứ. Cha cho đây là nhiệm vụ trọng tâm của Cha và hứa luôn tạo cho giáo xứ tinh thần đoàn kết, yêu thương, Người luôn nhắc nhở đến khi có dịp trong các buổi hội họp sinh hoạt cộng đồng, liên hoan.
             Những năm tiếp theo HĐGX và Cha đã thực hiện một số công trình tu bổ thánh đường, lập đài Đức Mẹ v.v… và có nhiều chương trình đổi mới hoạt động giáo xứ để phục vụ giáo thiết thực, tạo niềm tin tưởng ngay giai đoạn đầu và không ngừng phát triển về mọi mặt giúp Giáo xứ ổn định và đi lên.
            Cuối năm 1989 sau khi Cha đi công tác cho Tỉnh Dòng tại ngoại quốc về thì năm sau 1990 Cha lại được bầu làm Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Đa Minh Việt nam, một chức vụ nặng nề hơn chức Bề Trên Tu viện lại đè nặng trên đôi vai Cha, nhưng không vì thế mà Cha đành rời bỏ giáo xứ, Người vẫn quan tâm lo lắng mọi công việc khi cần thiết, tuy Người ít về giáo xứ hơn, Người thường cử các Cha ở nhà Dòng về dâng thánh lễ thay cho Cha, và luôn có các Thầy về giúp, sinh hoạt cho các em thiếu nhi … thật ra đây  là dịp để Cha có cơ hội giúp được nhiều hơn cho giáo xứ qua chức vụ Bề Trên Giám Tỉnh do Cha đảm trách. Thời gian này, đối với Tu viện Đa Minh Gò Vấp, An Nhơn như là một xứ thuộc nhà Dòng, hầu hết các Cha có ở nhà Dòng từ Cha Phó Bề Trên như : Cha Hạnh, Cha Mẫn, Cha Cung, Cha Trực, Cha Chữ, Cha Liêm vv … đều thay nhau về giúp giáo xứ từ dâng Thánh lễ đồng tế, Thánh lễ mỗi ngày khi vắng Cha xứ, giải tội, giảng phòng v.v…
                Năm 1990 với công việc của một Giám Tỉnh Cha thường phải đi thăm và làm việc với các Tu viện của Tỉnh Dòng trên toàn quốc nên Cha xứ đã xin Cha Giuse Đỗ Ngọc Bảo về phụ tá cho Cha và sau này là Cha Phó toàn quyền trông coi giáo xứ để Cha có thời gian lo cho Tỉnh Dòng được nhiều hơn với chức vụ của Người.
             Cũng trong năm 1991 Cha đã cho bầu lại BTV/HĐGX nhiệm kỳ V, do ông Nguyễn Văn Đính làm Chủ tịch. Cũng như các Ban Thường vụ tiền nhiệm. BTV nhiệm kỳ V cũng đã có nhiều công sức cùng với Cha xứ lo tu sửa Thánh đường, nhất là công trình làm mới nhiều phòng ốc khu sân thượng của nhà xứ, nới rộng phòng truyền thống, hệ thống quạt trong nhà thờ.v.v…
             Năm 1993 HĐGX nhiệm kỳ VI  đã được bầu do ông Nguyễn Tiến Hậu làm Chủ tịch. BTV và Ban Chấp hành 3 khu đã cùng với Cha Phó điều hành mọi công việc trong Giáo xứ. Khi cần thiết Cha xứ vẫn chỉ đạo điều hành qua BTV/HĐGX còn Cha ít về Giáo xứ vì công việc quá bận rộn của Tỉnh Dòng. Ngoài ra Cha xứ cũng giao toàn quyền giải quyết cho Cha Phó nên công việc Giáo xứ vẫn tiến triển đều cả về tinh thần lẫn xã hội, nơi chính quyền v.v…
           Trong nhiệm kỳ HĐGX khóa VI này cũng đã cộng tác tích cực với hai Cha để thực hiện nhiều công trình có ý nghĩa cho Giáo xứ, cụ thể :
Lợp thêm một mái bằng tôn để chống thấm nhà thờ mà trước đây đã nhiều năm sửa mà không hết. Sau đó lại sơn, quét vôi lại toàn bộ nhà thờ, nhà xứ, đây là một công trình sửa chữa lớn thật có ý nghĩa, đạt hiệu quả cao.
                 Lập công trình tượng đài Thánh Martin và Thánh Phaolô Lê Văn lộc ngay trên vườn hoa cạnh nhà thờ, tiện để giáo dân cầu nguyện các Thánh và làm tôn nghiêm cảnh quan nhà thờ....
          Tháng 7/1994 Cha xứ tái đắc cử Bề trên Giám Tỉnh nhiệm kỳ II,  như vậy với chức vụ Người lại được trao, chắc chắn Cha sẽ chưa thể về ở hẳn với Giáo xứ được, nhưng giáo dân An Nhơn vẫn tin tưởng Cha xứ vẫn dẫn dắt Giáo xứ theo con đường của Cha, mà lúc này đã có Cha Phó là người được Cha xứ giao, sẽ ngày một tiến xa và nhanh hơn.
          Tháng 12/1995 Cha xứ lại lên đường đi dự Tổng Hội Dòng tại Hoa Kỳ với thời gian khá dài (12/1995 – 2/1996)  Cha vừa dự Tổng Hội Dòng vừa phối hợp thăm các Tu viện của Tỉnh Dòng Việt Nam tại các nước, đồng thời Cha cũng cần kiểm tra lại sức khỏe của Người khi có dịp.
          Tháng 8/1996 Hội Đồng Giáo xứ nhiệm kỳ VII, do ông Trần Văn Cảnh làm Chủ Tịch đã được bầu và tuyên thệ nhậm chức để nhận trách nhiệm phục vụ Giáo xứ.
 

KẾT LUẬN:

           Với quãng thời gian 49 năm lịch sử hình thành, giáo xứ An Nhơn được tạm chia ra thành 5 quãng thời gian sau:
   -    Giai đoạn I (1965 – 1969) : Là thời gian bắt đầu thành lập Giáo họ, thời kỳ khó khăn ban đầu, mới xây dựng được một nhà Nguyện nhỏ, chưa thành xứ chưa có Linh mục, các Cha chỉ về giúp dâng Thánh lễ theo từng giai đoạn và mọi sinh hoạt trong giáo họ đều ở mức độ hạn chế.
  -   Giai đoạn II (1969 – 1976) : Thời gian bắt đầu thành lập Giáo xứ, có Cha Chính xứ, mọi xây dựng cơ bản (nhà thờ, nhà xứ, trường học) được xây dựng hoàn chỉnh với qui mô lớn. Mọi hoạt động trong Giáo xứ đã đi vào nề nếp và hình thành các tổ chức như: BTV/HĐGX nhiệm kỳ I. Ban Chấp hành  các khu họ, các đoàn thể, ngoài ra về mặt xã hội đã có trường Trung Học Tư Thục lớn nhất vùng. Mọi hoạt động đều đang được tiến triển từng bước rất tốt đẹp.
    -    Giai đoạn III (1976 – 1983) : Thời gian này coi như thời gian I, vắng Linh mục chủ chăn, giáo    dân biến động lớn, các Linh mục xin từ nơi khác tới cũng chỉ dâng lễ được cho mỗi buổi chiều, mọi sinh hoạt của giáo xứ và việc sống đạo không còn như trước. Có khá hơn đôi chút là thời kỳ Cha Thuyết (1981 – 1982) về kiêm nhiệm giáo xứ.
-    Giai đoạn IV (1983 – 1996) : Giai đoạn này đã có Linh mục Chánh xứ mới, đã có đường hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để tin tưởng và vững bước đi lên. Trong suốt 13 năm dẫn dắt của Linh mục Chánh xứ và 6 năm với Cha Phó, giáo xứ An Nhơn đã trưởng thành về nhiều mặt, đã tu sửa và lập mới nhiều công trình cho nhà Thờ, nhà xứ và tiến hành một bước khá dài trên bước đường sống đạo và sống phúc âm giữa lòng dân tộc.
-     Giai đoạn V (1996 - 2014 ). Trong giai đoạn này Cha Cố Giuse Mai Văn Rự nhận Chánh xứ ngày 26/3/2000.Ngài đã tiếp bước các Cha tiền nhiệm, và Ngài cùng với Cha Phụ tá GioanB.Nguyễn Ngọc Tân, Thày Phanxico Xavie Phan Thiện Hảo chăm lo đời sống tinh thần cho cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ An Nhơn, rồi đến ngày ngày 06/08/2009 Chúa đã thương gọi Ngài về với Chúa.  Cha Gioan B. Nguyễn Ngọc Tân tạm nhận quyền Chánh xứ một thời gian chờ Giáo phận Bài Sai Cha xứ mới về Giáo xứ. Năm 2010, Cha Phao lô Nguyễn Quốc Hưng đang là phụ tá tại Nhà thờ Gia Định Ngài đã về nhận Bài Sai Chánh xứ Giáo xứ An Nhơn cho đến ngày hôm nay. Công lao to lớn của Cha Hưng là đã đại tu lại Thánh đường, nhà Xứ sau bao năm dài đã bị xuống cấp, và chăm lo mọi sinh hoạt cho giáo dân trong Giáo xứ.
              Đó là tóm tắt những chặng đường suốt 49 năm giáo dân An Nhơn đã trải qua và hiện nay đang rất tin tưởng và vũng tin tiến bước để xây dựng Giáo hội nơi trần thế mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Xứng đáng và tự hào với những thành quả của những vị chủ chăn đã góp công xây dựng, bồi đắp từ lúc mới hình thành cho đến ngày hôm nay.
 

GIÁO XỨ AN NHƠN NGÀY NAY

ĐỊA GIỚI :
            Giáo xứ An Nhơn nằm về phía Tây Bắc phường 17 quận Gò Vấp, gần ngã ba Lê Hoàng Phái và đường Lê Đức Thọ ( trước là đường 26/3) trên hướng  đi Xóm Mới, giáp với giáo xứ Hoàng Mai ( phường 15 ) và bên này đường thuộc phường 16.
            Từ thời Cha Trần Phương Phy, giáo xứ đã được chia ra thành bốn khu họ, tới năm 1975 do số giáo dân biến động nhiều nên họ Tử Đạo sáp nhập vào họ Vô Nhiễm, còn 03 khu họ như sau:
          Khu họ Trị Sở: Gồm những gia đình cư ngụ chung quanh nhà thờ và dọc theo hai bên đường Lê Đức Thọ về hướng Xóm Mới tới địa giới của giáo xứ Hoàng Mai.
          Khu họ Vô Nhiễm : Từ đường vào Chùa Kỳ Quang ( trên đường Lê Hoàng Phái) ra đường Nguyễn Oanh về hướng Gò Vấp, quanh khu vực cư xá Mai Thành, cư xá Lam Sơn.
         Khu họ Giuse Thợ : Chạy dọc đường Nguyễn Oanh từ đường Nguyễn Văn Lượng đến cầu An Lộc đổ về phía chợ An Nhơn, đến giáp ranh với giáo xứ Bến Cát (P. 5)
Đến năm 2013, An Nhơn được Cha Chánh xứ Phao Lô Nguyễn Quốc Hưng,
Ngài đã phân chia lại 03 khu họ thành 09 khu từ:
 * Giáo khu Trị Sở tách thêm thành 03 khu gồm
-   Khu Trị Sở
-   Khu Phêrô
-   Khu Phaolô
*  Giáo khu Mân Côi tách thêm thành 03 khu gồm :
-   Khu Đức Mẹ Mân Côi
-   Khu Đức Mẹ Lên Trời.
-   Khu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
* Giáo khu Thánh Giuse Thợ tách thêm thành 03 khu gồm :
-   Khu Thánh Giuse Thợ
-   Khu Các Thánh Tử Đạo.
-   Khu Kitô Vua

Bài liên quan

  • Không có bài viết liên quan