Lược sử

  • Địa chỉ: 34/17 Vĩnh Thuận, P. Long Bình, Q. 9
  • Bổn mạng: Chúa Kitô Vua
  • Điện thoại: 3725 0138
  • Năm thành lập:

Qúa Trình Hình Thành-Phát Triển Giáo xứ Cao Thái

 By: Đức Hoàng - MVTT 

Biến cố lịch sử năm 1954 đã làm cho hơn 2 triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam. Hòa trong dòng người đông đảo ấy có Cha cố Phêrô Trần Gia Vĩnh và hơn ba ngàn giáo dân thuộc giáo xứ Cao Mộc, giáo phận Thái Bình.
Giáo xứ Cao Thái hiện nay thuộc giáo hạt Thủ Thiêm, giáo phận TP.HCM, cách trung tâm TP.HCM  25 km và là giáo xứ cuối cùng của GP.TPHCM về hướng Đông Bắc. Giáo xứ Cao Thái nằm trong vùng giáp ranh với hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và gần 3 công trình lớn của thành phố đang xây dựng ở đây, đó là: Bến xe Miền Đông mới  - Depot  xe điện tuyến Bến Thành  Suối Tiên và Công viên lịch sử Văn hóa Dân tộc.
Giáo xứ Cao Thái được hình thành và phát triển qua những giai đoạn sau:
I. GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1967
Sau khi vào miền Nam, Cha cố Vĩnh và  giáo dân thuộc giáo xứ Cao Mộc cũ đã tìm đến một vài nơi để tạm cư như: Rạch Bắp (Bình Dương), Xuân Hiệp (Thủ Đức), Phú Hữu (Quận 9). Nhận thấy những nơi này đất đai chật hẹp và không phù hợp với người dân quen sống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, vì thế vào năm 1955 Cha cố Vĩnh và một số giáo dân đã đến định cư tại Long Phước (Quận 9 ngày nay). Còn lại một số khác thì tìm đến vùng Cái Sắn (Rạch Giá), Bảo Lộc, Hố Nai...sinh sống.
Giáo xứ Cao Thái được hình thành và phát triển qua những giai đoạn sau:

I. GIAI ĐOẠN TỪ II: TỪ NĂM 1967 CHO ĐẾN NGÀY HÔM NAY
 Năm 1967, tất cả các gia đình đã bỏ lại nhà cửa ruộng vườn tại Long Phước để chuyển đến định cư tại vùng đất mới và là nơi toạ lạc của giáo xứ Cao Thái hiện nay thuộc phường Long Bình, Quận 9, TPHCM. Theo lời kể lại của Cha cố Gioakim Vũ Ngọc Long, quá trình đi tìm khu đất mới  tại đây thật lắm gian nan vất vả.
Được một số Cha quen biết giới thiệu, khoảng đầu năm 1966, Cha cố Vĩnh cử Cha phó Gioakim Vũ Ngọc Long, Thầy Đaminh Thức cùng một số quý chức lên đường xem khu đất ruộng gần nhà thờ Bình Triệu. Hai bên đã thỏa thuận xong việc mua bán, nhưng vì diện tích khu đất chỉ có 4Ha không đủ để chia cho số gia đình quá đông, vì thế ý định mua khu đất này bị hoãn lại. Sau đó, cha con lại dắt nhau đến xem xét khu đất thuộc xã Long Bình, Thủ Đức. Đây là khu đất ruộng 16Ha của Tòa Giám Mục Sàigòn do Đức Cha Ngô Đình Thục đứng tên đăng bộ và đang cho tá điền tại đây thuê canh tác, khu đất này Ngài dự kiến sau này sẽ xây một trường đại học công giáo. Thế rồi Cha cố Vĩnh, Cha Phó Long đã lên Tòa Giám Mục trình bày hoàn cảnh khó khăn hiện tại của giáo xứ và xin được giúp đỡ. Thấy con cái mình đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chấp thuận nhượng lại cho giáo xứ khu đất ruộng này. Cuối năm 1966, đích thân Đức Cha Phụ Tá Fx. đến khu đất và bàn giao giấy tờ cho giáo xứ. Cha con trở về bắt tay vào vẽ quy hoạch, cắm cọc, phân lô...mỗi gia đình được bốc thăm mua lại một nền đất có diện tích 8m x 20m.  
Bước đầu, cha cố Vĩnh cho làm nhà  thờ và nhà xứ tạm để có nơi đọc kinh dâng lễ. Theo quan điểm của Ngài: dù ở đâu cũng luôn ưu tiên cho việc giáo dục đào tạo con người. Đầu năm 1968, trước khi làm nhà thờ, cha cố Vĩnh cho xây nhà xứ kết hợp  làm ký nhi viện,  và xây mới ngôi trường cấp 1,2 Hiền Mẫu có một tầng trệt và một lầu. Công việc xây dựng đang tiến hành tốt đẹp thì Ngài được Chúa gọi về ngày 02-7-1969. Đầu năm 1970, ngôi trường mới đã hoàn tất và giáo xứ khai giảng năm học đầu tiên. Nhờ ngôi trường Hiền Mẫu này mà phần đông con em trong và ngoài giáo xứ có được một nền học vấn căn bản từ lớp 1 đến lớp 9.
  Sau khi cha Cố Vĩnh mất, tính tới nay giáo xứ Cao Thái đã trải qua 5 đời cha sở. Các Cha kế nhiệm tiếp tục giúp giáo xứ phát triển về mọi mặt để có được như ngày hôm nay.

  •  Năm 1971 Nhà thờ mới được xây dựng, cột bằng gỗ dầu vuông, mái tole cao ráo tương đối khang  trang  trong hoàn cảnh giáo dân còn khó khăn.
  • Năm 1984  Nhà thờ cũ xuống cấp đã được đập bỏ và xây dựng lại mới.
    Năm 2000  xây dựng tháp chuông và nhà lưu giữ hài cốt.
  • Năm 2004, Nhà xứ cũ được phá bỏ xây mới và gọi là Nhà sinh hoạt mục vụ.
     Năm 2008 xây Đài kính Đức Mẹ Lộ Đức, mở rộng hành lang hai bên Nhà thờ, thay giàn cửa mới, sửa chữa lại Gian Cung Thánh.
  • Năm 2009, xây dựng Đài kính Đức Mẹ La Vang.
  • Năm 2010 tôn tạo lại núi đá Đức Mẹ Lộ Đức, Gian Cung Thánh
  • Năm 2010 tôn tạo lại núi đá Đức Mẹ Lộ Đức, Gian Cung Thánh

Chia sẻ công việc mục vụ với cha xứ, còn có cha cố Gioakim Vũ Ngọc Long đang nghỉ hưu tại Mái Ấm Huynh Đệ (Nhà hưu của các Cha linh tông cha cố Vĩnh, xây dựng trên địa bàn giáo xứ) . Ngài luôn nhiệt  tâm hỗ trợ cha xứ trong những công việc chung . Ngoài ra còn có quý Chị thuộc Tu Hội Bác Ái Cao Thái, quý Cha và quý Thầy Dòng Cát Minh, quý Thầy Dòng Don Bosco giúp dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, tập hát cho các ca đoàn và phụ Cha xứ trao ban Mình Thánh Chúa trong các Thánh lễ.
         Hiện nay có 2 cơ sở dòng tu  nằm trong khu vực giáo xứ: đó là Cộng Đoàn Bác Ái Cao Thái và Dòng Cát Minh.
         Ngoài nhà thờ là cơ sở tôn giáo chính để cử hành các nghi thức phụng vụ theo giờ giấc quy đinh, giáo xứ còn có Đài Đức Mẹ Lavang, Núi Đức Mẹ Lộ Đức với không gian rộng rãi  thoáng đãng và rợp bóng cây xanh. Giáo dân có thể đến với Mẹ bất cứ lúc nào để cầu nguyện xin ơn.  Hàng đêm, sau một ngày lao động vất vả, đông đảo con cái Mẹ tập trung tại  đây để tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và họ còn có dịp gặp gỡ trò chuyện, chia sẻ với nhau những buồn vui cuộc sống.
         44 năm định cư  tại mảnh đất này và có được các cơ sở tôn giáo như hôm nay, cộng đoàn giáo xứ Cao Thái chúng con hết lòng tạ ơn Thiên Chúa và ghi ơn các Bậc Bề Trên của Tổng Giáo Phận, cùng quý Cha, quí Tu sĩ đã  tận tâm phục vụ tại giáo xứ qua nhiều thời kỳ. Chúng con cũng xin ghi ơn những ân nhân xa gần, đặc biệt là bà con giáo dân trong giáo xứ, tuy hoàn cảnh kinh kế còn khó khăn nhưng luôn quảng đại và rộng lòng  đóng góp cho những công việc chung . 
        Số giáo dân hiện nay của giáo xứ Cao Thái là 2.500 người với 625 hộ gia đình (năm 2011). Vào các ngày Lễ trọng và Chúa nhật, số người nhập cư, di dân đến tham dự phụng vụ tại giáo xứ khá đông. Nhà thờ và nhà sinh hoạt có mặt bằng tương đối rộng rãi, hàng năm vào Mùa Chay, giáo xứ còn  hân hạnh được đón tiếp nhiều hội đoàn của các  giáo xứ  trong  hạt Thủ Thiêm đến sinh hoạt, tĩnh tâm.
 "Chúng con luôn tạ ơn Chúa  và ghi nhớ công ơn của mọi người."

Bài liên quan

  • Không có bài viết liên quan