Lược sử

  • Địa chỉ: Ấp An Hoà, Xã An Thới Đông, Huyện Cần Giờ
  • Bổn mạng: Thánh Phêrô - Phaolô
  • Điện thoại: 3888 7877
  • Năm thành lập:

GIÁO ĐIỂM TRUYỀN GIÁO AN THỚI ĐÔNG - CẦN GIỜ

Mỗi một giáo xứ, giáo điểm đều có nét đặc trưng riêng của vùng ấy. Giáo điểm truyền giáo An Thới Đông cũng vậy, An Thới Đông mang nơi mình một đặc trưng hiếm thấy nơi những giáo xứ, giáo điểm khác. Như Belem ngày xưa, dưới con mắt của người đời chẳng có gì lạ nhưng lạ làm sao là Hài Nhi Giêsu đã đến, đã hiện diện ở Belem. Để rồi trải qua bao năm tháng, bao thăng trầm của lịch sử, bao tranh chấp … Belem mãi mãi vẫn ghi dấu sự hiện diện của Đấng Cứu Độ trần gian. An Thới Đông cũng vậy, rồi cũng sẽ trải qua biết bao nhiêu khủng hoảng, biết bao nhiêu thử thách, An Thới Đông vẫn không thể nào xoá nhoà sự hiện diện của Thiên Chúa Tình Yêu.
Sự hiện diện của giáo điểm An Thới Đông như một mầu nhiệm. Năm 1990, Linh mục đầu tiên đến với vùng đất này là Cha cố Stêphanô Chân. Tín. Sau 3 năm sống nơi đây, Cha già Tín đã kêu gọi được 13 người đầu tiên của xã An Thới Đông. Anh chị em ấy phải vất vả lắm để theo học lớp giáo lý. Có những lúc bị hoàn cảnh ngăn trở, các anh chị em đã phải lên tận Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp để học giáo lý. Có lúc khó khăn, một số phải nhận phép Thanh Tẩy tại Đền của Mẹ vì An Thới Đông khi ấy chưa được cử hành phụng vụ công khai.
Nhớ đến thời gian này, chắc có lẽ giáo điểm truyền giáo An Thới Đông cũng không thể nào quên được hình ảnh của Cha già Stêphanô Chân Tín, bên cạnh Cha già còn có các cha : Cha Giuse Phạm Kim Điệp, Cha F.X. Nguyễn Hữu Hoà, Cha Phanxicô Átxidi Hoàng Minh Đức, Cha Phêrô Đinh Ngọc Lâm, , Cha Giuse Nguyễn Bá Long, Cha G.B Nguyễn Văn Đồng (về nhà Cha tháng 7 - 2008), Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung, Cha Tôma A. Phạm Phú Lộc, Cha Giuse Phạm Cao Thanh Sơn, Cha G.B Nguyễn Bình Định… và nhiều lớp các thầy học Viện Dòng Chúa Cứu Thế … Bên cạnh đó còn có các hội đoàn Lêgiô thuộc các xứ Xóm Chiếu, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng
Đến thời kỳ bình ổn thì có sự cộng tác của các sơ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán cũng như nhiều hội đoàn, nhiều giáo xứ khác như Xóm Chiếu, Huyện Sỹ …   
Kẻ có công, người có của cộng với lòng thành tâm của những con người nghèo mà An Thới Đông đã có cơ may được biết Chúa. Từ 13 người tiên khởi của An Thới Đông nay đã lan rộng ra ngót nghét trên dưới 500 người.
500 người đã trở về với đạo Công Giáo phải chăng là một mầu nhiệm mà Thiên Chúa tỏ hiện ở An Thới Đông ? Quá sức là mầu nhiệm vì lẽ từ ngày con người đặt chân lên vùng đất An Thới Đông thì chưa có một ai biết Chúa, chưa một ai biết đạo Công Giáo.
Suốt thời gian qua, từ ngày An Thới Đông có “tên tuổi” trên bản đồ Giáo phận với biết bao nhiêu thăng trầm của phận người. Những người đến với An Thới Đông này đa phần là dân từ Tân Tập - Vĩnh Đông - Cần Giuộc (Long An), Bến Tre chuyển đến, gần nhất là dân quận 4, quận 7 dắt díu nhau về dọn …  
Cùng trong dòng chảy của cuộc đời, vùng truyền giáo An Thới Đông cũng không thoát khỏi những khó khăn của dòng chảy ấy.
Với đặc tính là dân nhập cư như vậy nên chuyện đạo nghĩa quả là khó khăn với miền truyền giáo An Thới Đông. Có những lúc dâng trào như biển động nhưng có những lúc lặng lẽ như những buổi chiều mưa phùn rã rích. Có những lúc đời sống kinh tế tạm ổn thì bà con giáo dân lại mạnh mẽ và hăng say. Có những lúc hay lam hay làm và bôn ba vật lộn với miếng cơm manh áo thì lại vơi đi. Đó là tình trạng chung của con người chứ chẳng phải riêng gì với vùng đất nghèo. Cái nghèo cứ như ôm chầm mãi người dân An Thới Đông ấy vậy mà họ theo Chúa quả là một ân huệ mà Thiên Chúa ban cho vùng đất nghèo này. Chỉ mong cuộc sống bớt đi cơ cực để bổn đạo có giờ thờ phụng Chúa hơn. 
Với sự quan tâm, cố gắng của nhiều người, từ vị Chủ Chăn của Giáo Phận là Đức Hồng Y G.B đến Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, quý cha quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế, quý tu sĩ nam nữ của các Hội Dòng và của nhiều và rất nhiều ân nhân trong và ngoài nước An Thới Đông đã có ngôi nguyện đường Gioan – Phêrô – Phaolô. Ngôi nguyện đường khang trang hiện diện nơi vùng biển mặn Cần Giờ phải chăng đó không phải là mầu nhiệm và ơn Chúa ?  
Dẫu có những lúc thăng trầm nhưng nhìn lại chặng đường qua, tất cả được gói ghém trong hai chữ “Hồng Ân”. Hồng ân bao la mà Thiên Chúa tuôn đổ trên mảnh đất nghèo An Thới Đông này chỉ có những ai đến nơi mới cảm nhận được.
Thời gian qua cũng chỉ là những bước đi chập chững của một vùng truyền giáo nghèo. An Thới Đông lại tiếp tục lên đường trong sự tín thác vào vòng bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. An Thới Đông lại tiếp tục mở lòng ra để đón nhận tình yêu thương, lòng bác ái của những xứ đạo lâu năm, xứ đạo có bề dày lịch sử.    
Lược viết theo bài “GIÁO ĐIỂM TRUYỀN GIÁO AN THỚI ĐÔNG - CẦN GIỜ : 15 NĂM HIỆN DIỆN “  của Lm. Anmai, C.Ss.R.