GIÁO HỌ THÁNH LOUIS
1. PHẦN MỞ ĐẦU:
- Ngày 20 tháng 07 năm 1954 Hiệp định Genève ký kết ngưng chiến, hơn một triệu người miền Bắc vào Nam sinh sống, giúp cho hai miền Nam Bắc quân bình dân số (Miền Nam đất rộng người thưa).
- Ngày 10 tháng 08 năm 1954 Cha Chánh Xứ Giuse Maria Nguyễn Kế Phú cùng Giáo dân Giáo xứ Nhân Nghĩa thuộc Địa phận Hải phòng lên tàu vào Nam.
- Chiều 14 tháng 08 năm 1954 tàu cặp cảng Sài gòn.
- Sáng 15 tháng 08 năm 1954 Cha và Giáo dân được chuyển đến Tôn Thọ Tường (Chợ Lớn) tạm cư tại đó cũng là ngày mừng kính Đức Mẹ về trời.
- Cuối tháng 08 đầu tháng 09 năm 1954, một lần nữa Cha và Giáo dân được chuyển đến trại tạm cư Hòa Khánh – Đức Hoà – Chợ Lớn (thời kỳ đó thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nay thuộc tỉnh Long An).
2. TRẠI DI CƯ HÒA KHÁNH – ĐỨC HOÀ (1954 – 1955)
- Ngày 10 tháng 10 năm 1954 Giáo xứ Nhân Nghĩa mừng kính Thánh Louis Bertrando bổn mạng Giáo xứ lần đầu tiên tại Miền Nam trong trại di cư Hòa Khánh (Hình 2). Để tìm cho Giáo dân mình có một miền đất sinh sống, Cha luôn cầu nguyện, thăm hỏi và tìm kiếm.
- Vào khoảng tháng 05 năm 1955, nhân lễ mở tay cha Louis Cao Đức Thuận (một người con của Giáo xứ Nhân Nghĩa) Cha Giuse Maria Nguyễn Kế Phú gặp cha Đệ (lớp đàn anh) đã chỉ cho Cha vùng đất Vũng Bèo – Bến Tắm Ngựa ở Gò Vấp là đất hoang chưa khai phá. Cha liền cử một số người đi khảo sát và tìm hiểu vùng đất này. Sau những tháng ngày tìm hiểu và liên hệ về mọi mặt, Cha nhận thấy vùng đất này có thể sinh sống được.
- Cuối tháng 08 đầu tháng 09 năm 1954, Cha Giuse Maria Nguyễn Kế Phú và giáo dân xứ Nhân Nghĩa đến tạm cư tại trại di cư Hoà Khánh. Trại có nhà thờ tạm. Bên ngoài trại có nhứng dãy nhà mái lợp tole vách ngăn bằng phên tre (Hình 1). Trại phân bổ cho 2 gia đình một căn nhà, mọi chi phí sinh sống đều do Chính phủ lúc bấy giờ tài trợ.
- Ngày 10 tháng 10 năm 1955, mừng lễ Bổn mạng năm thứ hai tại Hòa Khánh, Cha và Giáo dân xứ Nhân Nghĩa quyết tâm chọn vùng đất này làm quê hương thứ hai của mình.
3. THÀNH LẬP XỨ BẾN HẢI – HỌ NHÂN NGHĨA (1955 – 1964):
- Cuối năm 1955 đầu năm 1956, sau khi liên hệ xin được vùng đất Vũng Bèo – Bến Tắm Ngựa, Cha Giuse Maria Nguyễn Kế Phú và Giáo dân xứ Nhân Nghĩa cùng một số Giáo dân gốc Yên Mỹ (huyết tộc Cha Xứ) lại lên đường về vùng đất mới.
- Khởi đầu Giáo dân họ Nhân Nghĩa về trước làm nhà sát chân đường kho xăng. Nhà thờ cũng làm sát chân đường. Nhà thờ và nhà ở mái đều lợp bằng vải bạt.
- Kế đến Giáo dân gốc Yên Mỹ.
- Giáo dân gốc họ An Toàn.
- Giáo dân gốc Địa phận Phát Diệm.
- Nhận thấy giáo dân di cư qui tụ về đã khá đông. Cha và đại diện 4 họ đã họp và chọn ra một cái tên cho xứ mới: Xứ Di Cư Bến Hải. Bến là bến nước (Bến Cát – Bến Tắm Ngựa – Bến Đình…). Hải là nước, là Địa phận mẹ Hải Phòng.
- Ngày 23 tháng 01 năm 1956, danh từ Xứ Di Cư Bến Hải bắt đầu chính thức sử dụng trong giấy tờ sổ sách của Giáo xứ. Ngày này cũng là ngày em bé đầu tiên được rửa tội tại Xứ Di Cư Bến Hải (trích sổ rửa tội năm 1956).
- Ngày 23 tháng 07 năm 1956 Họ Nhân Nghĩa chính thức bầu trùm họ (Biên bản bầu trùm họ).
- Năm 1957 Nhà thờ ban đầu tọa lạc gần chân đường kho xăng, được dời vào vị trí như ngày nay.
- Họ Nhân Nghĩa sau khi làm đường, đắp nền nhà, đắp đê cũng dời vào cách Kho Xăng 300m – 400m (hình 3 & hình 4).
4. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU NHÂN NGHĨA (1964 – 1992):
- Năm 1964 Cha Giuse Maria Nguyễn Kế Phú nghỉ hưu tại dòng Đồng Công Thủ Đức.
- Cũng trong năm 1964 Cha Gioan Baotixita Nguyễn An Hòa về nhận xứ Bến Hải.
- Họ Nhân Nghĩa được gọi là Khu Nhân Nghĩa có Bổn mạng là Thánh Louis Bertrando nên còn gọi là Khu Louis. Trong thời gian này Khu Nhân Nghĩa phát triển song phương cùng với Giáo xứ, đời sống Giáo dân tương đối ổn định. Công việc làm ăn nói chung chỉ đủ sống (đa số là nông nghiệp).
- Ngày 30 tháng 04 năm 1975, chiến tranh chấm dứt. Trong Khu đã có một số hộ đi kinh tế mới hoặc hồi hương, một số ra nước ngoài. Nhân lực trong Khu có chiều hướng giảm sút nhưng lòng đạo vẫn rất sốt sắng.
- Năm 1992 Cha Gioan Baotixita Nguyễn An Hòa về nhà Cha.
5. KHU GIÁO LOUIS (1992 - 1999):
- Ngày 08 tháng 07 năm 1992 Cha Vinh Sơn Trần Hòa nhận bài sai về Giáo xứ Bến Hải, Khu Nhân Nghĩa (Khu Louis ) được gọi theo tên Thánh bổn mạng là Khu Giáo Louis. Thời gian này nền kinh tế Việt nam nói chung có những biến chuyển tốt đẹp, nhiều gia đình trước hồi hương, kinh tế mới nay dần dần quay về Khu giáo. Năm 1995, Bến Hải từng bước đô thị hoá đã phát triển rất nhanh, đất đai trở nên có giá trị. Đất đai chuyển hóa thành những khu dân cư mới. Người dân, trong đó có giáo dân Công Giáo và cả các tôn giáo bạn đã đến Bến Hải mua đất và làm ăn sinh sống. Khu Giáo Louis cũng có những thay đổi: dân số đã tăng lên gấp 3 lần gồm cả dân nhập cư và dân cư phát triển tại chỗ – bộ mặt của Khu giáo đã khang trang hơn – nhà tường và nhà lầu đã dần thay thế cho nhà lá và nhà tôn vách gỗ…
- Năm 1999 Cha Vinh Sơn Trần Hoà nhận bài sai về Giáo xứ Hoàng Mai – Hạt Xóm Mới.
6. GIÁO HỌ LOUIS (1999 - 2005):
- Ngày 11 tháng 09 năm 1999 Cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái về nhận Xứ Bến Hải.
- Công tác mục vụ Giới trẻ được Cha chú ý và ngày 16 tháng 04 năm 2000 nhóm trẻ Louis được ra mắt.
- Cha xứ cho phép phục hồi đội trống Họ Nhân Nghĩa.
- Cuối năm 2000 Cha xứ cho lập thùng tiết kiệm tại mỗi Khu Giáo để chuẩn bị xây dựng lại nhà thờ.
- Do điều kiện đất đai tại Giáo xứ Bến Hải còn khá rộng, nhờ vào địa điểm tương đối thuận lợi, dân nhập cư khắp nơi đổ về ngày một đông. lối sống hoà hợp của Giáo dân giáo họ Louis với mọi người nhập cư. Nhờ đó, dù lương hay giáo đã sống trong Khu đều sống quảng đại, chia sẻ vui buồn với mọi người xung quanh, nhất là với người già – ngừơi cô đơn – bệnh tật. Thời kỳ này Khu Giáo Louis cũng là một trong những điểm nóng của việc truyền giáo.
- Ngày 27 tháng 01 năm 2003 Khu Giáo Louis được đổi thành Giáo họ Louis.
- Ngày 27 tháng 06 năm 2003 Ban Điều hành Giáo họ nhiệm kỳ mới (2003 – 2008) chính thức được công nhận và đi vào hoạt động.
- Ngày 05 tháng 05 năm 2005 Cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái nhận bài sai về Giáo xứ Đông Quang – Quận 12.. Ngày 10 tháng 05 năm 2005 Cha Giuse Phạm Công Trường về nhận xứ Bến Hải.
7. VỊ TRÍ GIÁO HỌ LOUIS HIỆN NAY:
Giáo họ Louis ngày nay đã nằm sát chân kho xăng, không còn khoảng cách như thời chiến tranh.
- Đông nam: Giáp đường xe lửa – Phường 11 Quận Bình Thạnh – Giáo xứ Bình Hoà Quận Bình Thạnh.
- Tây nam: Giáp kho xăng.
- Tây bắc: Giáp Giáo họ Mân Côi, Giáo họ An Tôn.
- Đông bắc: Giáp Rạch Lăng – Cầu Đen – Phường 13 Quận Bình Thạnh – Giáo xứ Bình lợi Quận Bình Thạnh.
DÂN SỐ
1. Cha Giuse Maria Nguyễn Kế Phú
Hình thành giai đoạn đầu khoảng 42 hộ gia đình công giáo khoảng 230 Giáo dân.
2. Cha Gioanbaotixita Nguyễn An Hoà
Trong giai đoạn này do ảnh hưởng của chiến tranh, và nhất là sau ngày 30/04/1975 một số Giáo dân rất đônghồi hương, đi kinh tế mới nên Giáo dân giảm sút trong giai đoạn 1975 – 1980 còn khoảng 36 hộ với 192 nhân khẩu. Trong thập niên 1990 trở về sau kinh tế Việt Nam phát triển, các gia đình trước đây hồi hương, đi kinh tế mới nay đã quay về cùng với số người nhập cư cộng thêm gia tăng dân số tại chỗ nên số hộ giai đoạn này đã là 70 với khoảng 320 nhân khẩu.
3. Cha Vinh Sơn Trần Văn Hoà
Tổng số hộ gia đình Công giáo trong thời điểm này là 120 hộ với khoảng 430 nhân khẩu.
4. Cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái.
Tổng số hộ gia đình Công giáo trong giai đoạn này là 170 hộ với khoảng 630 nhân khẩu.
5, Cha Giuse Phạm Công Trường.
Theo số liệu thống kê đến ngày 01/10/2010 thì tổng số hộ gia đình Công giáo là 162 hộ với 600 nhân khẩu.
Kinh tế Giáo họ qua các thời kỳ:
1. Cha Giuse Maria Nguyễn Kế Phú: Chủ yếu khai phá và xây dựng, trồng lúa và rau xanh.
2. Cha Gioanbaotixita Nguyễn An Hòa: Vẫn chủ yếu là nông nghiệp: trồng lúa, cói và rau xanh; dệt chiếu; công chức ; giáo viên. Từ năm 1968 phát triển nuôi gà công nghiệp, nuôi heo theo dạng nhỏ lẻ. Sau ngày 30/04/1975 làm nông nghiệp theo dạng tập đoàn tập thể, công nhân viên chức.
3. Cha Vinh sơn Trần Văn Hòa:
- Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Hợp tác xã nông nghiệp giải thể, nông nghiệp chỉ còn lại khoảng 30%, Chăn nuôi phát triển.
- Thời kỳ này hình thành những hộ buôn bán nhỏ lẻ và cả quy mô lớn. Đa phần thanh thiếu niên tạo cho mình một hướng đi mới là học tập để kiếm cho mình một công việc và vị trí tốt hơn. Nguồn thu nhập khác từ các hộ làm nhà cho thuê.
5. Cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái:
- Giai đoạn này nông nghiệp hầu như biến mất trong Giáo họ, chỉ còn lại khoảng 2%, đa số người giáo dân đã làm việc theo khả năng của mình trong các môi trường kinh tế khác nhau.
- Chăn nuôi chiếm khoảng 3%, nguồn thu nhập khác là phòng cho thuê.
6. Cha Giuse Phạm Công Trường: Kinh tế cũng phát triển tương tự như trên.
Sinh Hoạt Giáo Họ
Những tập tục truyền thống của Giáo họ:
- Đội trống: Được thành lập từ ngoài miền Bắc và khi di cư vào Nam vẫn tiếp tục duy trì và hoạt động cho đến nay (sẽ trình bày ở mục phần ).
- Theo thông lệ của Giáo họ hàng năm vào dịp lễ Bổn mạng Giáo họ đều có rước kiệu, tổ chức lễ long trọng và hôn xương Thánh Bổn mạng, có đội trống phục vụ.
- Khi có người trong Giáo họ mới qua đời, mỗi gia đình đều phải có người tham gia khiêng quan tài đến Nhà Thờ, Đội trống tham gia rước linh cữu đến Nhà Thờ. Tuy nhiên việc tham gia khiêng quan tài đã không thực hiện từ sau giải phóng nhưng việc Đội trống tham gia vẫn còn duy trì. Sau tang lễ, giáo dân trong giáo họ tập trung tại nhà tang chủ đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố 3 buổi tối.
- Hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán – Tết Trung Thu Giáo họ còn tổ chức một số trò chơi dân gian nhưng không duy trì thường xuyên.
- Việc gia nhập Giáo họ rất đơn giản và dễ dàng giúp mọi người mau chóng hòa nhập với Cộng đoàn Giáo họ và Giáo xứ dễ dàng.