TGPSG -- Giữa những xung đột dữ dội ngoài xã hội, cũng như những chiến đấu mãnh liệt trong tâm hồn, cùng những món nợ phải giải quyết, những giá trị cốt lõi của Tin Mừng đã được thể hiện như thế nào trong đời sống Kitô hữu?
Phim ‘Món Nợ’ – do Media Tổng Giáo phận Sài Gòn thực hiện vào tháng 5.2022 – đã trình bày cuộc chiến khốc liệt này:
Một người mẹ đau nặng, phải vay nợ để trang trải tiền thuốc men, bệnh viện... và không trả được nợ nần. Chủ nợ đến siết nợ, chiếm nhà, giật lấy sổ hồng. Cô bé, con của bệnh nhân, giằng co để đòi lại sổ hồng, cắn vào tay chủ nợ, để lại dấu răng trên cánh tay chủ nợ. Khi giằng co, chủ nợ cũng đã để lại vết sẹo trên mặt cô bé, và tạo sốc khiến cho người mẹ quá buồn đau, sớm lìa đời.
Cô bé, sau này trở thành y tá, có lần phát hiện dấu răng này của mình trên tay của một bệnh nhân. Trả thù hay không trả thù? Cuối cùng, sau khi cầu nguyện, đọc Lời Chúa và nhớ lời mẹ dặn dò trước khi qua đời, cô đã tha thứ theo lời Chúa dạy, để tiếp tục chăm sóc chữa trị cho hai vợ chồng bệnh nhân này.
Hình ảnh cô y tá - phải chiến đấu với lòng mình để có thể tha thứ - khiến ta nhớ đến lời tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá, sau khi Ngài phải chịu bạo hành dã man, tan nát thịt da, máu me dầm dìa, đầu buốt nhức vì mạo gai do kẻ thù dùng bạo lực đến tận cùng để hành hạ Ngài. Như vậy, muốn làm nổi bật tấm lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, những bộ phim về Đấng Cứu Thế cũng đành phải diễn tả lại những cảnh bạo hành, bạo lực rất đẫm máu này.
Cảnh chủ nợ gây ra vết sẹo trên má cô y tá khiến ta nhớ đến hình ảnh Phêrô đã dùng bạo lực, rút thanh gươm chém đứt tai một tên lính. Dù chủ nợ trong vai phản diện, còn Phêrô trong vai chính diện, cả hai đều đã dùng bạo lực, và Chúa Giêsu đã phải nhắc nhở: "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm." (Mt 26, 51-52)
Lời cầu nguyện của cô y tá trước ảnh ‘Lòng Chúa thương xót’ hy vọng sẽ xóa đi vết sẹo đã từng gây đau đớn trong lòng cô gái này…
Media TGPSG