4 điểm để hiểu thêm và yêu mến Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV hơn
Đức Giáo hoàng Lêô XIV – Người kế vị Thánh Phêrô đồng thời là vị Tân Giáo hoàng
Với những câu hỏi: Ngài là ai? Ngài đến từ đâu? Tại sao tên gọi của Ngài lại mang nhiều ý nghĩa? Và điều gì khiến phong cách của Ngài trở thành tâm điểm chú ý? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV – một lý do khiến toàn thể Hội Thánh hân hoan vui mừng!
1. Một hành trình đời sống phong phú, mang nhiều chiều kích văn hoá đa dạng
Đức Lêô XIV tên khai sinh là Robert Francis Prevost, sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Hoa Kỳ. Nghe đến đây, có thể bạn nghĩ: “Vậy là chúng ta có vị Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên!” – nhưng thực ra không chỉ đơn giản như vậy, câu chuyện về Ngài còn rộng mở và phong phú hơn rất nhiều!
Cha Ngài mang hai dòng máu Pháp–Ý, Mẹ Ngài là người Tây Ban Nha, một gia đình ngập tràn âm sắc văn hóa, truyền thống thiêng liêng đa dạng. Nhưng điều in nhiều dấu ấn đậm nét nhất nơi tâm hồn Ngài chính là Peru, nơi Ngài đã sống và phục vụ gần 40 năm. Ngài dành cho nơi đó sự yêu mến con người, hòa mình vào đời sống của dân nghèo, trở thành công dân Peru và gắn bó sâu sắc với cộng đoàn Công giáo Mỹ Latinh.
Ngài nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, và nhờ khả năng đó Ngài gần gũi với phần đông dân Chúa khắp năm châu. Ngôn ngữ nơi Ngài không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là lời mời gọi yêu thương, sẻ chia.
Một vị Giáo hoàng mang trong mình nhiều câu chuyện, của nhiều nền văn hóa, và những kỷ niệm sống động trong hoạt động 40 năm, chẳng phải đó là hình ảnh tuyệt vời của một Hội Thánh hoàn vũ hay sao?
2. Nhà truyền giáo, tu sĩ Augustinô, vị mục tử của lòng Chúa
Đức Robert Prevost không chỉ là người của học thuật, mà còn là người của sứ vụ. Ngài gia nhập Dòng Thánh Augustinô năm 1977, khấn trọn và được truyền chức linh mục vào năm 1982. Năm 1985, Ngài được sai đến Peru làm nhà truyền giáo, phục vụ tại giáo phận Chulucanas, miền bắc đất nước. Ngài đồng hành với người dân vùng quê nghèo, dạy dỗ và hướng dẫn tại chủng viện Augustinô ở Trujillo.
Từ năm 2001 đến 2013, Ngài đảm trách vai trò Bề trên tổng quyền Dòng Thánh Augustinô, sống tại Rôma, thăm viếng các cộng đoàn khắp thế giới. Năm 2015, Ngài trở lại Peru, được bổ nhiệm làm giám mục Chiclayo, rồi vào năm 2023 được triệu hồi về Rôma giữ chức Tổng trưởng Thánh bộ Giám mục.
Linh đạo của Ngài thấm nhuần tư tưởng Thánh Augustinô: khám phá Thiên Chúa qua đời sống nội tâm, yêu mến sự thật, xây dựng cộng đoàn huynh đệ xem đóla2 con đường nên thánh.
Như Thánh Augustinô từng nói: “Với anh em, tôi là Kitô hữu; vì anh em, tôi là giám mục”. Đức Lêô XIV là hiện thân sống động của điều ấy – mục tử mang mùi chiên, nhà truyền giáo chân thành, và học giả của tình yêu.
3. Tên gọi "Lêô XIV" và những dấu chỉ khởi đầu triều đại
Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô, thế giới hồi hộp chờ đợi: Ngài là ai? Ngài sẽ chọn tên gì? Phong cách của Ngài ra sao? Và rồi, tên gọi "Lêô XIV" được công bố, khiến nhiều người ngạc nhiên và tò mò.
Từ "Leo" (Latinh: Leo) nghĩa là “sư tử” – biểu tượng của sức mạnh, phẩm giá, sự tỉnh thức và vương quyền. Trong lịch sử Giáo hội đã có 13 vị giáo hoàng mang tên này, trong đó có hai vị thánh: Thánh Lêô Cả – người bảo vệ đức tin và sự hiệp nhất trong thời khủng hoảng, và Thánh Lêô IX nhà cải tổ can đảm thế kỷ XI.
Tuy nhiên, cảm hứng gần gũi nhất có lẽ đến từ Đức Lêô XIII – vị Giáo hoàng của “Học thuyết Xã hội Công giáo”, tác giả thông điệp Rerum Novarum, cổ vũ sự đối thoại giữa đức tin và thế giới hiện đại.
Lần đầu xuất hiện trước công chúng, Đức Lêô XIV mặc áo lễ trắng truyền thống, khoác "mozetta" đỏ, mang dây stola vàng và chiếc nhẫn ngư phủ – tất cả là sự kết với truyền thống, nhưng ẩn chứa lời mời gọi: Cầu nguyện trước khi bước ra; lặng thinh trước khi nói lời đầu tiên.
Khiêm tốn thay cho hào quang. Cầu nguyện trước cả sự chú ý. Đó là sứ điệp mà Ngài gửi gắm không bằng lời nói, mà qua chính cử chỉ.
4. Lời mời gọi hiệp nhất và cầu nguyện của Đức Lêô XIV
Lời chia sẻ đầu tiên với cộng đoàn tín hữu, đó là “ Bình an của Chúa ở cùng anh- chị- em”, và sau đó Đức Tân Giáo hoàng chỉ xin một điều đơn sơ nhưng sâu sắc:
“Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho sứ vụ mới này, cho Hội Thánh, cho hòa bình thế giới. Xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, ban cho chúng ta ơn này.”
Lời mời ấy xuất phát từ một con tim tin tưởng, từ đôi mắt toát lên sự tín thác vào Thiên Chúa – Đấng hướng dẫn lịch sử nhân loại.
Triều đại của Ngài bắt đầu trong niềm vui. Nhưng Hội Thánh vẫn sẽ đối diện với không ít thử thách: chia rẽ, vết thương, hiểu lầm... Vì thế, đây là lúc chúng ta cùng xin Chúa Thánh Thần ban ơn hiệp nhất, trung thành, thánh thiện cho Hội Thánh.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo hội cần những người môn đệ cầu nguyện, cùng nhau bước đi, loan báo Tin Mừng với niềm vui và lòng khiêm hạ.
Hơn bao giờ hết trong thời khắc vui mừng khi chúng ta được Chúa ban cho một vị Tân giáo Hoàng. Hiệp cùng niềm vui của Giáo hội hoàn vũ, chúng ta cùng cấu nguyện cho Ngài.
Lời nguyện cho Đức Giáo hoàng Lêô XIV
**Lạy Chúa Giêsu, Vị Mục tử nhân lành,
Chúng con cảm tạ Chúa vì hồng ân đã ban cho chúng con Đức Giáo hoàng Lêô XIV.
Xin tuôn đổ trên ngài, ơn khôn ngoan, dịu hiền và can đảm.
Xin ban cho Ngài trái tim của một người Cha – biết lắng nghe, phân định và dẫn dắt.
Xin gìn giữ Ngài khỏi mọi sự dữ, và nâng đỡ đức tin của Ngài khi gặp thử thách.
Nguyện xin Ngài trở thành khí cụ bình an và Tình Yêu của Chúa, phản chiếu qua Đức giáo Hoàng.
Và xin cho toàn thể Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa, luôn hiệp nhất trong hành trình nên thánh.
Amen.
Lược dịch từ: https://catholic-link.com/papa-leon-xiv/