Khi Đức Giáo hoàng Lêô XIV nghỉ hè tại Dinh thự Giáo hoàng Castel Gandolfo từ ngày 6 đến 20 tháng 7, Vatican News cùng nhìn lại những gì các vị giáo hoàng tiền nhiệm đã chia sẻ về ý nghĩa của kỳ nghỉ.
Một khoảng thời gian tạm rời công việc để phục hồi sức khỏe thể lý, cơ hội để du ngoạn và chiêm ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, lúc thích hợp để đọc sách, kết nối những tình bạn mới, hoặc để suy niệm và cầu nguyện — đó là những khía cạnh mà các vị giáo hoàng trước đây thường nhấn mạnh khi nói về tầm quan trọng của thời gian nghỉ ngơi.
Mùa hè năm nay — mùa hè đầu tiên kể từ khi được bầu làm giáo hoàng — Đức Giáo hoàng Lêô XIV cũng dành thời gian để nghỉ dưỡng. Từ ngày 6 đến 20 tháng 7, và sau đó là thêm vài ngày trong tháng 8, ngài sẽ ở Dinh thự Giáo hoàng tại Castel Gandolfo, một thị trấn cách Rôma khoảng 25 km.
Thời gian thuận lợi
Câu hỏi "làm thế nào để sử dụng tốt nhất kỳ nghỉ của mình" luôn hiện diện trong nhiều bài suy tư của các Đức Giáo hoàng, bởi vì kỳ nghỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người.
Các vị giáo hoàng nhấn mạnh rằng kỳ nghỉ không nên được nhìn nhận chỉ đơn thuần như một thời gian nhàn rỗi. Ví dụ, kỳ nghỉ có thể là cơ hội để dừng lại và chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên — hay “cuốn sách của Thiên Chúa”, theo cách diễn đạt của Đức Phaolô VI.
Ngài nói rằng trong kỳ nghỉ, chúng ta có thể tái khám phá công trình sáng tạo “luôn mở ra, luôn mới mẻ, luôn tươi đẹp”. Thiên nhiên — với “không gian, bầu khí, muôn thú, sự vật; biển cả, núi non, đồng bằng, bầu trời với bình minh, chính ngọ, hoàng hôn và đặc biệt là những đêm sao” — luôn mang lại sự kỳ diệu và chiều sâu.
Đối với các Đức Giáo hoàng, kỳ nghỉ là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời cũng là thời gian cho việc suy niệm và hướng lòng về Thiên Chúa.
Đức Phaolô VI: Kỳ nghỉ là lúc để đọc sách, khám phá và xây dựng tình bạn
Kỳ nghỉ cũng là thời điểm phong phú, bởi việc tạm dừng nhịp sống thường nhật có thể mở ra không gian nội tâm cho sự thinh lặng và hồi tâm. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 5 tháng 8 năm 1973, Đức Phaolô VI giải thích kỳ nghỉ nên như thế nào:
“Chúng ta hãy chắc chắn rằng thời gian rảnh rỗi này, được gọi là kỳ nghỉ, không bị tiêu tán hoàn toàn trong sự buông thả hoặc ích kỷ. Nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí (theo đúng nghĩa từ nguyên), có, nhưng phải là những điều khôn ngoan và tỉnh thức.”
Ngài gợi ý rằng nên tranh thủ đọc những cuốn sách nghiêm túc mà ta đã bỏ lỡ trong năm, hoặc thực hiện các chuyến đi khám phá những kho báu của lịch sử và nghệ thuật.
Ngài cũng nhấn mạnh rằng “kỳ nghỉ là thời gian đặc biệt để nuôi dưỡng tình bạn chân thành, làm quen với con người, phong tục, và những nhu cầu của những ai mà ta thường không tiếp xúc.”
Đức Gioan Phaolô II: Gặp gỡ và tiếp xúc là yếu tố cốt lõi của kỳ nghỉ
Kỳ nghỉ là cơ hội để sống những khoảnh khắc bình an. Đức Gioan Phaolô II — người yêu thích những chuyến nghỉ dưỡng trên núi — thường nhấn mạnh rằng để được hồi phục, con người cần sự hài hòa và niềm vui từ việc gặp gỡ tha nhân.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 6 tháng 7 năm 1997, ngài nói:
“Để kỳ nghỉ thực sự mang lại lợi ích, con người cần tái lập sự hài hòa với chính mình, với người khác và với môi trường xung quanh.”
Ngài nhấn mạnh: chính sự hài hòa bên trong lẫn bên ngoài đó mới có thể hồi sinh tinh thần và tiếp sức cho thể xác.
John Paul II in the Aosta Valley
Theo ngài, “một trong những giá trị lớn của kỳ nghỉ” là việc gặp gỡ người khác, sống cách vô vị lợi để vui hưởng tình bạn và những khoảnh khắc bình lặng cùng nhau.
Ngài cảnh báo về ảnh hưởng của “lối sống tiêu thụ và các luồng tư tưởng ảnh hưởng lên tâm trí con người”. Ngài khuyên giới trẻ nên chọn những kỳ nghỉ lành mạnh, tránh những hình thức giải trí có hại cho sức khỏe của bản thân và người khác, để khỏi lãng phí thời gian và tài nguyên.
“Việc trốn tránh thực tại có thể mang lại lợi ích, miễn là ta không trốn tránh các nguyên tắc luân lý lành mạnh hay trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bản thân.”
Đức Bênêđictô XVI: Trong thiên nhiên, con người tái khám phá chính mình
Đối với Đức Bênêđictô XVI, việc hòa mình vào thiên nhiên là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với những người sống nơi đô thị với nhịp sống hối hả khiến họ thiếu thời gian cho sự thinh lặng và suy tư.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 17 tháng 7 năm 2005 tại Les Combes (thung lũng Aosta, miền bắc nước Ý), ngài nhấn mạnh “nhu cầu được bồi bổ cả thể xác lẫn tinh thần” qua việc tiếp xúc thư thái với thiên nhiên.
Ngài nói thêm rằng kỳ nghỉ là thời điểm thuận lợi để dành nhiều thời gian hơn cho cầu nguyện, đọc sách và suy niệm về ý nghĩa sâu xa của cuộc sống, giữa bầu khí an lành bên gia đình và những người thân yêu.
Benedict XVI in the Aosta Valley in 2006 (L'OSSERVATORE ROMANO)
Khi chiêm ngắm những “khung cảnh thiên nhiên kỳ diệu – một ‘cuốn sách’ mở ra cho mọi người, cả người lớn lẫn trẻ em”, con người có thể tái khám phá chiều kích đích thực của mình.
“Họ nhận ra mình là tạo vật, nhưng đồng thời là những hữu thể độc đáo, ‘có khả năng hướng về Thiên Chúa’, vì trong thẳm sâu họ mở ra với Đấng Vô Cùng,” Đức Bênêđictô XVI giải thích.
Đức Phanxicô: Đào sâu hành trình thiêng liêng qua kỳ nghỉ
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 6 tháng 8 năm 2017, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng kỳ nghỉ cũng có thể là dịp tốt để đào sâu hành trình thiêng liêng, ngay cả khi đang di chuyển giữa các điểm du lịch.
Ngài nói:
“Mùa hè là thời gian thuận lợi để vun đắp sứ mạng tìm kiếm và gặp gỡ Chúa.”
“Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi và tạm rời khỏi công việc thường ngày, chúng ta có thể củng cố sức mạnh cả về thể xác lẫn tâm hồn.”
Ngài mời gọi các tín hữu hãy phó thác kỳ nghỉ của mình cho Đức Maria, để Mẹ giúp họ sống hòa hợp với Lời Chúa, nhờ đó Đức Kitô trở nên ánh sáng và ngôi sao dẫn đường trong suốt cuộc đời.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho những ai không thể đi nghỉ vì tuổi tác, bệnh tật, công việc, khó khăn tài chính hay lý do khác, xin cho mùa hè của họ vẫn là thời gian được thư giãn, được an ủi bởi sự hiện diện của bạn bè và những giây phút vui tươi.
Tác giả: Amedeo Lomonaco
Phan Thị hương dịch tư Vatican News
https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2025-07/popes-holidays-rest-relaxing-vacations.html