Chúa Giêsu Và Bữa Tiệc Cuối Cùng: Sự Mặc Khải Về Chiên Con Duy Nhất Của Thiên Chúa (CB)

Chúa Giêsu Và Bữa Tiệc Cuối Cùng: Sự Mặc Khải Về Chiên Con Duy Nhất Của Thiên Chúa (CB)

Chúa Giêsu Và Bữa Tiệc Cuối Cùng: Sự Mặc Khải Về Chiên Con Duy Nhất Của Thiên Chúa

Tác giả: Deacon Frank
Lược dịch và biên soạn: Giuse Trần Văn Thạc

Các sách Phúc Âm kể lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu dường như chứa một chi tiết gây tranh luận: Chúa đã cử hành Bữa Tiệc Ly vào đúng đêm Lễ Vượt Qua, hay vào một thời điểm khác? Ba sách Nhất Lãm (Mátthêu, Máccô và Luca) mô tả Bữa Tiệc Thánh diễn ra vào tối Thứ Năm, trong khi Tin Mừng Gioan lại cho biết Chúa Giêsu bị đóng đinh vào “ngày chuẩn bị”—tức ngày trước Lễ Vượt Qua.

Điều này khiến không ít người bối rối. Làm sao lại có sự khác biệt như thế giữa các sách Phúc Âm? Có mâu thuẫn, hay còn điều gì sâu xa hơn đang được bày tỏ?

Một Dân Tộc – Hai Cách Cử Hành

Để giải đáp, chúng ta cần nhìn vào bối cảnh xã hội Do Thái đương thời. Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái không phải là một khối thống nhất về tôn giáo, mà được chia thành nhiều nhóm, trong đó nổi bật là người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si.

  • Người Sa-đu-sê thuộc giới tư tế, quý tộc, trung thành với Lề Luật được ghi chép trong Kinh Torah (năm sách đầu của Cựu Ước). Họ giữ nghiêm ngặt các nghi lễ, đặc biệt là việc dâng lễ vật trong Đền thờ.
  • Người Pha-ri-si, ngược lại, không thuộc hàng tư tế mà là các thầy dạy luật, thông giáo và rabbi. Họ tin vào truyền thống truyền khẩu song hành với Torah, và sống rất chi li theo lề luật.

Hai nhóm này, vì quan điểm khác biệt, đã áp dụng hai cách tính khác nhau cho Lễ Vượt Qua và Bánh Không Men:

  1. Phương pháp “Quý tộc” của Sa-đu-sê:
    • Lễ Vượt Qua diễn ra vào chiều tối ngày 14 tháng Nisan.
    • Chiên con được hiến tế lúc chạng vạng (ngay khi mặt trời lặn).
    • Sau đó là bữa tiệc Vượt Qua, tiếp nối bằng bảy ngày ăn bánh không men.
  2. Phương pháp “Hasidic” của Pha-ri-si:
    • Chiên con được hiến tế vào chiều ngày 14 tháng Nisan.
    • Lễ Seder (bữa tiệc Vượt Qua) diễn ra vào tối hôm sau, tức ngày 15 tháng Nisan, mở đầu cho bảy ngày Bánh Không Men.
    • Vì thế, với họ, ngày 14 chưa phải là ngày thánh, nên công việc như hành quyết vẫn được phép thực hiện.

Hai Nhóm – Hai Thời Gian – Một Mầu Nhiệm

Với hiểu biết này, chúng ta bắt đầu nhận ra điều kỳ diệu trong thời điểm cuộc Thương Khó:

  • Chúa Giêsu, theo phương pháp của người Sa-đu-sê, đã cử hành Bữa Tiệc Ly vào tối ngày 14 tháng Nisan, đúng theo truyền thống Lễ Vượt Qua xưa.
  • Cùng ngày hôm ấy, theo cách tính của người Pha-ri-si, chiên con Lễ Vượt Qua mới được hiến tế vào buổi chiều, và tối hôm sau mới là bữa ăn Seder.
  • Do đó, Chúa Giêsu bị đóng đinh đúng vào thời điểm các chiên con đang được sát tế trong Đền thờ theo nghi thức Pha-ri-si.

Điều này không phải tình cờ. Đây là sự kiện trọn vẹn ứng nghiệm lời Kinh Thánh:

“Chiên Con của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29) – đã được hiến tế vào chính giờ hiến tế chiên Lễ Vượt Qua, đúng như hình ảnh tiên báo trong Sách Xuất Hành.

Lịch Sử Chuẩn Bị Cho Giờ G

Nếu không có hai cách cử hành khác nhau, làm sao Chúa Giêsu có thể dự bữa Vượt Qua với các môn đệ, mà vẫn chết vào giờ chiên con được hiến tế? Chỉ khi cả hai truyền thống cùng tồn tại, thì mới có thể diễn ra chuỗi sự kiện kỳ diệu này:

  • Trước năm 6 SCN: người Sa-đu-sê vẫn kiểm soát nghi lễ.
  • Sau năm 70 SCN: Đền thờ bị phá hủy, nghi thức tế lễ không còn.
  • Trong giai đoạn ngắn giữa hai mốc ấy, với sự thống trị tạm thời của người Pha-ri-si, Thiên Chúa đã an bài thời điểm duy nhất trong lịch sử để Con Một Ngài trở thành Chiên Lễ Vượt Qua đích thực, đúng theo Kinh Thánh và đúng vào giờ thiêng liêng nhất.

Thiên Chúa Dùng Những Đường Cong Để Vẽ Nên Đường Thẳng

Có người nói rằng Thiên Chúa thường “vẽ đường thẳng bằng những đường cong”. Quả thật, những tranh chấp nội bộ giữa các nhóm Do Thái, những khác biệt trong cách hành lễ, tưởng như phức tạp và gây chia rẽ, lại trở thành công cụ hoàn hảo trong tay Thiên Chúa để hoàn thành kế hoạch cứu độ.

Cái chết của Chúa Giêsu không chỉ là một bi kịch – đó là một mặc khải. Ngài chết đúng vào giờ chiên con bị hiến tế. Ngài là Chiên Con duy nhất, trọn vẹn, không tì vết, như sách Xuất Hành đòi hỏi. Ngài là Lễ Vượt Qua đích thực, giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi – như xưa kia dân Israel được giải thoát khỏi Ai Cập.

Lời Kết

Không có sự mâu thuẫn giữa các Phúc Âm. Thay vào đó, khi nhìn dưới ánh sáng lịch sử và đức tin, chúng ta thấy một sự hòa hợp tuyệt diệu trong kế hoạch của Thiên Chúa. Bữa Tiệc Ly và cái chết của Chúa Giêsu không chỉ xảy ra “đúng lúc” – mà là đúng giờ đã định trong chương trình cứu độ.

Vì thế, Chúa Giêsu chính là Chiên Con của Thiên Chúa – Đấng hiến thân đúng thời, đúng cách, đúng nghi lễ – để nhân loại được cứu độ.

Nguồn: https://catholicexchange.com/did-jesus-celebrate-his-final-passover-on-its-proper-night/

 

  • Tweet