Trong những năm gần đây, các quốc gia đã đổ hàng tỷ đô la vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đây có thể xem như một cuộc chạy đua vũ trang mới. Các nhà lãnh đạo mô tả AI là công nghệ chiến lược hiện nay, nó mang lại quyền lực toàn cầu với những ai làm chủ được nó.
Ủy ban An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Trí tuệ nhân tạo từng cảnh báo vào năm 2021 rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng bước vào kỷ nguyên AI, và nếu không hành động kịp thời, có thể sẽ để mất vị thế dẫn đầu vào tay Trung Quốc trong vòng một thập kỷ.
Về phía Trung Quốc, quốc gia này đã tuyên bố rằng AI là chìa khóa để thực hiện “sự phục hưng vĩ đại” của dân tộc. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi sự “tự lực tự cường” trong phát triển AI, sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt với Hoa Kỳ để giành thế thượng phong. Trong một phiên họp gần đây của Bộ Chính trị, ông Tập kêu gọi huy động toàn bộ hệ thống quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực AI, đồng thời cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại cách biệt, từ đó đòi hỏi phải nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách đó.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt này, ngay cả các công ty khởi nghiệp cũng gây được sự chú ý: điển hình là công ty DeepSeek của Trung Quốc, đã tạo được tiếng vang toàn cầu khi công bố một mô hình AI mới. Được huấn luyện trên phần cứng không tiên tiến nhưng vẫn đạt hiệu năng tương đương với các đối thủ phương Tây, với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ. Những thành tựu như vậy DeepSeek cho thấy tốc độ phát triển AI đang không còn phụ thuộc vào ai “giàu tài nguyên” hơn, mà vào ai “có chiến lược” hơn
Cuộc đua này không chỉ diễn ra tại các trung tâm công nghệ mà còn lan rộng qua các lãnh vực khác:
Các chiến lược gia quân sự cảnh báo về một “cuộc chạy đua vũ trang AI,” lo sợ rằng vũ khí tích hợp AI có thể làm lệch cán cân quyền lực.
Các nhà hoạch định kinh tế xem AI là “nền tảng của nền kinh tế sáng tạo” và là nguồn của cải cũng như an ninh tài chính.
Trên toàn cầu, AI đã trở thành một quân cờ trong bàn cờ địa chính trị. Thế nhưng, giữa những tiếng hô hào giành quyền dẫn đầu bằng mọi giá, một câu hỏi căn bản đã bị bỏ ngỏ: Đó là AI được phát triển để làm gì? Chúng ta đang vội vã hướng về phía trước, mà không kịp ngoái đầu nhìn lại mục đích cốt lõi của mình. Câu hỏi ấy, tưởng chừng âm thầm, nhưng chính là yếu tố quan trọng mang tính quyết định: liệu AI sẽ trở thành công cụ “phục vụ” nhân loại, hay lại là thứ “thống trị” nhân loại?
Mục đích quan trọng hơn tiến bộ
Việc xem nhẹ mục đích trong cuộc chạy đua AI không phải là điều mới mẻ. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong một văn kiện được viết hơn một thập kỷ trước, đã cảnh báo rằng khi xã hội chỉ mải mê với câu hỏi “làm sao” để phát triển công nghệ mà bỏ quên câu hỏi “tại sao,” thì công nghệ có thể bị xem như một cứu cánh tự thân, thậm chí biến thành một thứ ý thức hệ. Ngài nhấn mạnh rằng tiến bộ công nghệ, nếu tách rời khỏi việc truy vấn ý nghĩa và các giá trị nền tảng, sẽ trở nên mơ hồ hoặc nguy hại.
Đức Bênêđictô nhận xét: “Phát triển công nghệ có thể dẫn đến ảo tưởng rằng công nghệ là tự đủ, khi người ta dành quá nhiều chú ý cho câu hỏi làm thế nào mà không đủ quan tâm đến những câu hỏi tại sao câu hỏi nằm ở cốt lõi của mọi hoạt động nhân sinh ”
Hệ quả là con người có thể “phó mặc toàn bộ quá trình phát triển cho công nghệ,” thiếu kiểm soát dẫn đến không định hướng đên luân lý. Nói cách khác, nếu chúng ta lao về phía trước mà không hỏi xem mục tiêu tối hậu của các sáng tạo để làm gì, thì có thể chúng ta đang tạo ra những công cụ hùng mạnh, nhưng thiếu định hướng đạo đức để hướng dẫn việc sử dụng chúng một cách đúng đắn.
Lời cảnh báo ấy vang lên đầy tính ngôn sứ trong bối cảnh AI hôm nay. Khi cuộc chạy đua giữa các quốc gia và tập đoàn công nghệ ngày càng khốc liệt, người ta có thể dễ dàng quên rằng, điều thực sự đáng quan tâm không phải là “ai đi nhanh hơn,” mà là “chúng ta đi về đâu.”
Giáo huấn xã hội Công giáo luôn nhấn mạnh rằng công nghệ, cũng như mọi hoạt động của con người, phải quy hướng về lợi ích chung và phẩm giá con người. Một tiến bộ không thể gọi là chân chính, nếu nó khiến người nghèo thêm khổ, người yếu thế bị loại trừ, hoặc làm suy giảm mối tương quan nhân văn. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rõ: “Những tiến bộ công nghệ không làm gia tăng chất lượng cuộc sống của toàn thể nhân loại... thì không thể được coi là tiến bộ đích thực.” Nguyên lý này làm nổi bật câu hỏi bị lãng quên trong cuộc chạy đua AI: Phải chăng chúng ta phát triển AI chỉ để giành chiến thắng và thống trị, hay để thực sự cải thiện điều kiện sống của con người?
Lời mời gọi hoán cải – từ các hành lang chính trị đến chiều sâu lương tâm
Ngay cả một số nhà hoạch định chính sách cũng đã bắt đầu đặt câu hỏi này. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nếu không có hệ thống quản trị tương xứng, một nhóm nhỏ quốc gia hoặc tập đoàn có thể áp đặt AI lên toàn thế giới “mà không cần sự đồng thuận của người dân.” Các diễn đàn toàn cầu giờ đây nhấn mạnh rằng AI phải được kiểm soát theo các giá trị nhân văn và quyền căn bản.
Trong bối cảnh ấy, tư tưởng của nhà thần học Dòng Tên Bernard Lonergan trở nên vô cùng quý giá. Ông nhấn mạnh rằng tiến bộ đích thực đòi hỏi một cuộc hoán cải trí tuệ và luân lý – nơi khát vọng hiểu biết phải được điều hướng bởi sự khôn ngoan và trách nhiệm.
Lonergan mời gọi nhân loại sống theo năm nguyên lý siêu việt: hãy “Tập trung- Hiểu biết - Phân định - Trách nhiệm - Yêu thương.”
Đây không chỉ là lời khuyên đạo đức, mà là một la bản định hướng cho nhân loại trong thời đại AI, một lời mời gọi đặt ra những suy tư không chỉ với kỹ thuật, mà còn với lương tâm. Điều khôn ngoan nhất không phải là chạy nhanh hơn, mà là tạm dừng lại để hỏi điều gì thật sự đáng để chạy đến!
Dưới góc nhìn từ Vatican
Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố mang tính nguyên tắc, Giáo hội Công giáo cũng đang thúc đẩy việc tích hợp suy tư luân lý vào thực tiễn phát triển AI, qua nhiều lĩnh vực khác nhau, từ học thuật, mục vụ, đến giáo dục và truyền thông. Các học viện Công giáo, như Học viện Giáo hoàng về Sự sống (Pontifical Academy for Life), đã mở rộng sứ mạng của mình để bao gồm cả việc nghiên cứu về các tác động luân lý và xã hội của trí tuệ nhân tạo. Những hội thảo mang tầm quốc tế được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, thần học, triết gia và chuyên gia AI, nhằm kiến tạo một đối thoại liên ngành và liên văn hóa, với mục tiêu hướng AI về phía con người, chứ không thay thế con người.
Các dòng tu, đặc biệt là Dòng Tên với truyền thống trí thức sâu sắc, cũng đã khởi xướng nhiều nghiên cứu với các sáng kiến giáo dục về AI, trong ánh sáng Đức tin. Một số đại học Công giáo hàng đầu, như Đại học Georgetown, Đại học Notre Dame, hay Đại học Giáo hoàng Gregoriana... đã thành lập các trung tâm chuyên nghiên cứu về đạo đức công nghệ. Họ không chỉ phân tích mặt tích cực và tiêu cực của AI, mà còn tìm kiếm những cách thế để định hình AI theo các giá trị Tin Mừng: công lý, tính liên đới và bác ái.
Trong đời sống mục vụ, các giáo phận và giáo xứ ngày càng ý thức về vai trò của AI trong đời sống tín hữu. Những câu hỏi thực tiễn như: "AI có thể được dùng trong việc giảng dạy giáo lý không?", "Làm sao để giáo hội hiện diện có trách nhiệm trên các nền tảng trí tuệ nhân tạo?" hay "Liệu AI có thể ảnh hưởng đến đời sống phụng vụ, cầu nguyện và truyền thông Tin Mừng?" – đang dần trở thành những chủ đề được bàn luận nghiêm túc trong các hội nghị mục vụ. Tinh thần ở đây không phải là sợ hãi hay loại trừ công nghệ, mà là học cách "phân định" một khái niệm cốt lõi trong linh đạo I-nhã, để thấy rõ đâu là điều phục vụ sứ mạng của Giáo hội, đâu là điều cần cảnh giác.
Cần một định hướng Đức tin tương lai
AI có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để xây dựng một thế giới công bằng hơn, hoặc là một công cụ kiểm soát, loại trừ và bóc lột con người. Sự khác biệt đó nằm ở chỗ: chúng ta sử dụng AI để làm gì và vì ai. Giáo huấn xã hội Công giáo mời gọi chúng ta không chỉ tìm kiếm hiệu quả, mà còn phải luôn quan tâm đến phẩm giá con người, tương quan trong cộng đồng, và trách nhiệm liên thế hệ. Như Đức Phanxicô đã nói: “Điều quan trọng là không để các thuật toán quyết định tương lai nhân loại thay con người.” Ngài kêu gọi phải có một “quá trình đào tạo có chiều sâu” để các nhà lãnh đạo, kỹ sư, và công dân có thể tham gia một cách có trách nhiệm vào thời đại mới này.
Trong khi thế giới tiếp tục đầu tư hàng tỷ đô-la để phát triển AI, có lẽ điều cấp thiết hơn bao giờ hết là đầu tư vào sự khôn ngoan, một sự khôn ngoan biết đặt câu hỏi: "Chúng ta phát triển công nghệ này để phục vụ điều gì?" Đây không chỉ là câu hỏi của triết gia hay thần học gia, mà là câu hỏi sống còn của toàn thể nhân loại.
Suy cho cùng, một xã hội có thể sở hữu công nghệ tối tân nhất, nhưng nếu không biết sử dụng chúng để nâng đỡ phẩm giá con người, thì sự tiến bộ đó sẽ là rỗng tuếch. Như Công đồng Vatican II đã từng nói: “Tương lai của nhân loại nằm trong tay những người biết trao cho các thế hệ mai sau lý do để hy vọng.”