Nạn đói thiêng liêng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (CB)

Nạn đói thiêng liêng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (CB)

 

Gần đây, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm trọng – và đáng tiếc là nó chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Trong một hội nghị về trí tuệ nhân tạo (AI) và đạo đức, ngài cảnh báo rằng công nghệ AI có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhận thức, cảm xúc và đạo đức của giới trẻ. Ngài không đi sâu chi tiết, chỉ nhẹ nhàng lướt qua, để lại thính giả bối rối trong im lặng với sức nặng của những lời vừa được thốt ra.

Sự kiệm lời ấy mang đặc trưng giáo hoàng – cẩn trọng, chuẩn mực và đầy chiều sâu. Nhưng khi vị lãnh đạo của 1,3 tỷ người Công giáo lên tiếng lo ngại về điều gì đó liên quan đến trẻ em, thì thực tế có lẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với lời nói được cân nhắc kỹ lưỡng.

Dù không cụ thể hóa, có lẽ để tránh trở thành một nhà phê bình công nghệ, Đức Thánh Cha đã gieo một dấu hỏi lớn cho thời đại. Vấn đề là: ai sẽ nối tiếp và giải mã những cảnh báo đó? Ai sẽ cất lên tiếng nói rõ ràng về việc AI đang định hình tư duy của giới trẻ như thế nào – và tại sao điều đó đáng để báo động?

 

Công nghệ đang tái lập bộ não con người

Thung lũng Silicon đã tinh luyện nghệ thuật chiếm lĩnh sự chú ý của con người bằng độ chính xác khoa học. Thuật toán AI không chỉ theo dõi hành vi người dùng mà còn phân tích phản ứng dopamine và hệ thống tưởng thưởng của não bộ – tất cả nhằm tối ưu hóa “mức độ tương tác”. Một cách nói thật hơn? Kỹ nghệ gây nghiện.

AI không đơn thuần học được điều chúng ta thích, mà còn học cách móc nối ta với nó. Các chu kỳ tưởng thưởng biến thiên – vay mượn từ máy đánh bạc Las Vegas – đang chi phối từng lần lướt màn hình. Và trẻ em? Là đối tượng “sinh lợi” cao nhất. Não bộ chúng vẫn đang hình thành, hệ thống thần kinh chưa hoàn chỉnh. Khi tiếp xúc với hệ thống tưởng thưởng nhân tạo do các tập đoàn hàng nghìn tỷ đô thiết kế, não bộ non nớt ấy bị tái cấu trúc. Vĩnh viễn.

Kết quả không chỉ là giảm khả năng tập trung. Mà là sự mai một của năng lực suy tư, trì hoãn ham muốn, và thậm chí là sự yên tĩnh trong tâm hồn. Những gì xưa kia được xem là trạng thái cần thiết – như cảm giác buồn chán – nay bị xem là “lỗi hệ thống”. Trẻ em ngày nay không còn ngồi lặng lẽ mà mơ mộng như thế hệ trước, mà thay vào đó là phản xạ mở màn hình ngay lập tức. Cảm giác trống trải không còn là cơ hội, mà là “vấn đề” cần phải được xoa dịu kỹ thuật số.

Nhiều nghiên cứu từ UCLA, Harvard và các đại học danh tiếng đã xác nhận: sự kích thích kỹ thuật số quá mức đang biến đổi vùng vỏ não trước trán – nơi điều phối tư duy sâu, kế hoạch và tự kiểm soát. Các khái niệm như “chú ý phân mảnh liên tục” hay “chứng mất trí kỹ thuật số” đang ngày càng phổ biến. Nhưng đừng lãng mạn hóa. Chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ không thể ngồi yên, không thể tư duy sâu, và không thể chịu đựng sự im lặng – và điều tệ hại là: ta đang làm điều đó một cách có chủ ý.

 

AI và sự tha hóa các mối quan hệ

Tác động đáng sợ hơn của AI không chỉ là về nhận thức, mà còn là sự tàn phá khả năng kết nối của con người. Những “người bạn nhân tạo” đang mô phỏng tình bạn với độ chính xác rợn người. Không phản bác, không hiểu lầm, không rút lui. Chúng phản chiếu cảm xúc của ta, mà không cần cảm xúc của chính chúng.

Đối với trẻ em, những người đang học cách xây dựng quan hệ thật, điều này tạo ra sự méo mó nguy hiểm. Tương tác thật đòi hỏi kiên nhẫn, xung đột, sự tha thứ và đọc hiểu sắc thái. Máy móc không cung cấp điều đó – chúng chỉ đưa ra sự khẳng định cảm xúc tức thì, mượt mà và miễn phí. Kết quả? Một thế hệ ngày càng thất vọng với thực tại, cảm thấy con người thật quá chậm, quá rối rắm.

Giới trẻ không chỉ dành nhiều thời gian hơn với màn hình – mà chính bản thân họ đang bị màn hình nhào nặn lại. Tỷ lệ cô đơn, trầm cảm, lo âu và tự hại mình gia tăng cùng với mức độ tiếp xúc kỹ thuật số. Dữ liệu xác nhận điều mà phụ huynh và giáo viên cảm nhận rõ ràng: càng kết nối ảo, càng xa cách thật.

 

Linh hồn đang bị bỏ đói trong thời đại của tri thức tức thời

Cảnh báo của Đức Giáo hoàng không dừng lại ở lĩnh vực tâm lý học. Ngài đã chỉ ra điều sâu xa hơn – điều mà nhiều người e dè: AI đang đe dọa sự phát triển thiêng liêng của giới trẻ.

Sự trưởng thành tâm linh, dù có tôn giáo hay không, đòi hỏi sự khiêm nhường trước điều chưa biết, khả năng chịu đựng sự mơ hồ. Nhưng AI lại hứa hẹn những câu trả lời cho mọi câu hỏi, sự rõ ràng cho mọi nghi ngờ – và một sự “chắc chắn” đầy kiêu ngạo, không chừa chỗ cho niềm kính sợ hay kỳ diệu.

Trẻ em lớn lên với các câu trả lời tức thì không học cách vật lộn với huyền nhiệm – chúng học cách tránh né. Chúng trở nên quá tải thông tin nhưng đói nghèo tinh thần. Đức tin không chết trong nghi ngờ, mà chết khi sự chắc chắn giả tạo thay thế cho sự suy tư. Hiện tượng “hiệu ứng Google” – nhớ nơi tìm thông tin thay vì bản thân thông tin – giờ đây đã được ghi nhận rõ. Và AI chỉ làm trầm trọng thêm điều đó, biến não bộ thành giao diện tìm kiếm lười biếng.

 

Sáng tạo cần gian nan – AI lại loại bỏ điều đó

Có lẽ điều đáng buồn nhất là AI đang làm gì với sự sáng tạo. Sáng tạo đòi hỏi va chạm, thất bại, chỉnh sửa đau đớn. AI bỏ qua tất cả, đưa ra sản phẩm trau chuốt trước khi con người kịp thử. Một bài thơ, một bản nhạc, một bức tranh – tất cả có thể được tạo lập mà không cần nỗ lực. Vậy tại sao còn phải đối diện với trang giấy trắng?

Nhưng chính trong sự vật lộn đó – đẹp đẽ, giận dữ, hỗn loạn – sự phát triển thực sự diễn ra. Đó là nơi trẻ em học được rằng chúng có điều gì đó để nói. AI không chỉ thay thế nghệ sĩ – nó xóa bỏ giai đoạn học nghề. Nó khiến trẻ em tin rằng chúng không phải người sáng tạo, mà chỉ là người kích hoạt lệnh. Loại bỏ nỗ lực sáng tạo cũng là phá bỏ nền móng của sự tự tin trí tuệ: khả năng tưởng tượng, xây dựng và chịu đựng sự không chắc chắn.

 

Chúng ta không thể khoán trắng sức đề kháng

Lời cảnh báo của Đức Giáo hoàng Lêô XIV tuy ngắn gọn, nhưng đầy khẩn thiết. Đây không còn là câu chuyện về thời gian sử dụng thiết bị. Đây là một cuộc khủng hoảng về năng lực nhân bản – sự ăn mòn âm thầm nhưng liên tục của khả năng suy nghĩ, cảm nhận, ngạc nhiên và sáng tạo.

Sự chống trả không thể được thuê ngoài. Nó phải được xây dựng. Phụ huynh, giáo viên, người cố vấn – chúng ta cần tạo ra những “vùng cách ly” cho tâm trí. Phải bảo vệ sự nhàm chán, gìn giữ im lặng, duy trì thử thách – không phải vì sợ hãi tương lai, mà vì ta hiểu: tâm trí con người sẽ mong manh ra sao nếu thiếu ma sát.

Trên hết, chúng ta phải làm gương. Trẻ em không bắt chước lời nói – chúng hấp thụ con người của ta. Nếu chính ta cũng nghiện màn hình, cũng xao nhãng, cũng máy móc – thì chúng sẽ đi theo hành vi trước khi nghe theo lời khuyên.

Đức Giáo hoàng đã gióng lên hồi chuông – dù còn nhẹ. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ lắng nghe?

 

Tác giả John Mac Ghlionn

https://thecatholicherald.com/spiritual-starvation-in-the-age-of-ai/

  • Tweet