Tôn Trọng Hôn Nhân và Bảo Vệ Thai Nhi Nếu Muốn Hòa Hợp Xã Hội – Đức Giáo Hoàng Leo XIV Gửi Thông Điệp Đến Ngoại Giao Đoàn (CB)

Tôn Trọng Hôn Nhân và Bảo Vệ Thai Nhi Nếu Muốn Hòa Hợp Xã Hội – Đức Giáo Hoàng Leo XIV Gửi Thông Điệp Đến Ngoại Giao Đoàn (CB)

Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh kể từ khi lên ngôi, Đức Giáo Hoàng người Mỹ đã thể hiện rõ định hướng giáo huấn của ngài, cho thấy mong muốn chấm dứt tình trạng mơ hồ về giáo lý hôn nhân đang tồn tại trong Giáo hội Công giáo.

Sinh tại Chicago, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hôn nhân trong việc tái sinh các xã hội phương Tây đang sa sút về đạo đức và nền tảng gia đình.

Gia đình – nền tảng cho hòa bình xã hội

“Trách nhiệm của các nhà lãnh đạo quốc gia là xây dựng những xã hội dân sự hài hòa và hòa bình,” Đức Thánh Cha phát biểu.
“Điều đó có thể đạt được trên hết qua việc đầu tư vào gia đình – được thiết lập trên sự kết hợp bền vững giữa một người nam và một người nữ – một xã hội nhỏ nhưng chân thật, có trước mọi xã hội dân sự.”

Ngài kêu gọi mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn trừ, phải nỗ lực bảo vệ phẩm giá của mỗi con người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất: từ thai nhi đến người già, từ người bệnh đến người thất nghiệp, bao gồm cả công dân và người di cư.

Lập trường mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Leo XIV trong việc bảo vệ thai nhi và người già cũng cho thấy sự tiếp nối giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tác giả thông điệp Evangelium Vitae (1995) – một văn kiện lên án rõ ràng việc phá thai, trợ tử và các hành vi xâm phạm sự sống con người.

Hòa bình không chỉ là sự vắng mặt chiến tranh

Đức Giáo Hoàng cũng cảnh báo về việc hiểu sai khái niệm “hòa bình” như chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của xung đột. Theo ngài, cách hiểu tiêu cực đó khiến con người dễ chấp nhận trạng thái căng thẳng kéo dài như một thực tại không thể tránh khỏi trong gia đình, công sở và xã hội.

“Từ góc nhìn Kitô giáo – cũng như nhiều truyền thống tôn giáo khác – hòa bình trước hết là một món quà,” Đức Thánh Cha nói.
“Nhưng đó là món quà đòi hỏi sự dấn thân và nỗ lực. Nó thách thức từng người chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu từ chính bản thân mình: loại bỏ kiêu ngạo và tâm lý trả thù, chọn lọc lời nói cẩn trọng – vì lời nói, cũng như vũ khí, có thể gây thương tích, thậm chí giết chết.”

Ngài khẳng định các tôn giáo và đối thoại liên tôn có thể đóng góp thiết yếu cho việc xây dựng hòa bình, với điều kiện quyền tự do tôn giáo được tôn trọng hoàn toàn tại mọi quốc gia.

“Không có kinh nghiệm tôn giáo, con người khó có thể thanh luyện tâm hồn để thiết lập những mối quan hệ hòa bình,” ngài nhấn mạnh.

Đối thoại và ngoại giao đa phương là chìa khóa

Đức Giáo Hoàng kêu gọi khôi phục sức sống cho các tổ chức ngoại giao đa phương – vốn được lập ra để giải quyết các xung đột trong cộng đồng quốc tế – đồng thời chấm dứt sản xuất vũ khí sát thương.

Trích dẫn thông điệp Urbi et Orbi gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài nhấn mạnh rằng hòa bình không thể có nếu không giải trừ vũ khí thực sự.

“Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc không được biến thành cuộc chạy đua vũ trang.”

Đức Giáo Hoàng cũng nhắc đến lý do chọn danh hiệu Leo – để nối tiếp di sản xã hội của Đức Giáo Hoàng Leo XIII, tác giả thông điệp xã hội đầu tiên Rerum Novarum.

Ngài cảnh báo về những bất công kinh tế ngày càng gia tăng, tạo nên hố sâu giữa các châu lục, quốc gia và ngay trong lòng mỗi xã hội:

“Cần nỗ lực khắc phục những bất bình đẳng toàn cầu – giữa sự giàu có và bần cùng – vốn đang xé toạc thế giới hôm nay.”

Sự thật và lòng bác ái – nền tảng cho mọi mối quan hệ

Đức Giáo Hoàng Leo XIV kết thúc bài diễn văn bằng việc nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của sự thật trong xây dựng quan hệ hòa bình. Ngài cảnh báo về nguy cơ bóp méo ngôn ngữ và thực tại trong thế giới ảo, khiến nền tảng truyền thông chân thực bị xói mòn.

“Giáo hội không thể im tiếng trước sự thật về con người và thế giới, kể cả khi phải dùng ngôn ngữ thẳng thắn có thể gây hiểu lầm ban đầu. Nhưng sự thật không bao giờ được tách khỏi lòng bác ái – vốn luôn xuất phát từ mối quan tâm đến sự sống và phẩm giá của từng người nam và người nữ.”

Ngài khẳng định rằng trong đức tin Kitô giáo, sự thật không chỉ là khái niệm trừu tượng mà là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô – Đấng hằng sống giữa cộng đoàn tín hữu.

Từ nền tảng ấy, Đức Giáo Hoàng mời gọi thế giới cùng đối diện với những thách thức toàn cầu: di cư, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo và bảo vệ hành tinh.

“Không ai có thể đối phó những thách thức đó một mình. Chúng ta cần sự cộng tác và cam kết chung từ toàn thể nhân loại,” ngài kết luận.


 

  • Tweet